Đây là hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Nghệ thuật múa Việt Nam (16/12/1956-16/12/2024) được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức, nhằm nâng cao kỹ năng trình diễn, góp phần quảng bá, giới thiệu những tinh hoa của nghệ thuật dân vũ xứ Thanh.
Với 14 tiết mục ca-múa-nhạc đặc sắc như "Hoa Đăng," "Bình minh sông Mã", "Mênh mang hương sen", "Xuân về trên bản Mông" , "Tình quê", "Hoa sen dâng Bác...", “Tiến bước dưới cờ Đảng”, “Biển tình”, “Tình quê”… chương trình mang tới những vũ khúc dân tộc nguyên bản, đan xen chất liệu đương đại, được các biên đạo, nghệ sĩ gạo cội của làng múa xứ Thanh dàn dựng.
Sự góp mặt của các câu lạc bộ dân vũ đến từ các huyện miền núi ở xứ Thanh cùng các vũ đoàn chuyên nghiệp có bề dày thành tích biểu diễn như vũ đoàn Pha Lê, vũ đoàn Lucky, vũ đoàn Rubi… đã tái hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Mường, lan tỏa thông điệp bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Với mong muốn tạo được sân chơi cho những người yêu thích dân vũ, Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát phong trào dân vũ trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức liên kết các câu lạc bộ dân vũ, đầu tư dàn dựng các tiết mục dân vũ thành tác phẩm nghệ thuật. Chúng tôi muốn đem đến Liên hoan nghệ thuật dân vũ Thanh Hóa lần thứ nhất những tiết mục đặc sắc nhất, ca ngợi giá trị nhân văn, tình yêu chung thủy, cảnh sắc quê hương, gìn giữ phong tục, bản sắc văn hóa xứ Thanh".
"Tình quê", biên đạo: Bảo Yến-Tuấn Khanh |
Liên hoan nghệ thuật dân vũ Thanh Hóa lần thứ nhất cũng là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tình yêu với vốn cổ trong múa dân gian, cơ hội để các câu lạc bộ dân vũ trong tỉnh giao lưu, học hỏi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Liên hoan được tổ chức theo phương thức xã hội hóa, đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục câu lạc bộ, nhóm múa, vũ đoàn, tích cực tập luyện trong nhiều tháng.
Cũng qua Liên hoan, bên cạnh những tên tuổi biên đạo thành danh như NSND Hoàng Hải, NS Băng Xuân…, nhiều biên đạo múa trẻ của làng múa Thanh Hóa như Hương Lý, Ánh Nguyệt, Ngọc Khuê, Tuấn Lượng... đã trình làng các tác phẩm mới, mang hơi thở cuộc sống, gắn với nhịp sống trẻ. Những tiết mục xuất sắc được tập hợp và giới thiệu đến các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp du lịch, để góp phần tham gia quảng bá văn hóa, chủ động đưa nghệ thuật múa đến với công chúng.
Tham gia Ban Giám khảo của Liên hoan, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đánh giá cao các tiết mục dự Liên hoan, khẳng định: "Thanh Hóa là địa phương đầu tiên ở miền trung tổ chức thành công Liên hoan Nghệ thuật dân vũ. Các tiết mục trong liên hoan đã có sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu ca múa dân gian, dân vũ với nghệ thuật trình diễn đương đại, thể hiện tính công phu, hoành tráng, hấp dẫn người xem và đồng nghiệp. Tôi hy vọng Liên hoan Nghệ thuật dân vũ Thanh Hóa sẽ được tổ chức thêm nhiều lần nữa để góp phần bảo tồn và phát triển múa dân gian địa phương, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân cũng như góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới".
Tại Liên hoan, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 10 câu lạc bộ dân vũ Thanh Hóa vì đã có thành tích xuất sắc tham gia liên hoan./.