Bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ Tây Nguyên

NDO -

NDĐT- Trong hai ngày 5 và 6-3, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà nẵng, phối hợp UBND các tỉnh Tây Nguyên tổ chức “Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ 5 khu vực Tây Nguyên” tại khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông với sự tham gia của hơn 70 nghệ nhân đến từ năm tỉnh Đác Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Đác Nông và Kon Tum.

Tiết mục trình diễn tại liên hoan.
Tiết mục trình diễn tại liên hoan.

Ông Đặng Xuân Thu, Giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Trưởng Ban tổ chức cho biết: Liên hoan dân ca Việt Nam lần này có hai điểm mới, thứ nhất là ngoài hát dân ca còn có các tiết mục dân vũ, hát đi kèm với múa, đánh chiêng, kể cả các tiết mục phục dựng lại các lễ hội; thứ hai là không có diễn viên chuyên nghiệp. Tất cả các nghệ nhân là đồng bào các dân tộc thiểu số từ các buôn, sóc được phát hiện, tập luyện, bồi dưỡng thêm để tham gia liên hoan.

Các nghệ nhân mang đến liên hoan 15 tiết mục gồm hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ, tái hiện lễ hội, kể sử thi thể hiện rõ bản sắc mỗi dân tộc, mỗi địa phương.

Trong 15 tiết mục tham gia liên hoan của năm đoàn, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được tám tiết mục nổi bật để tôn vinh, công diễn trong đêm bế mạc như làn điệu dân ca Buôi Peam Yu - Đừng lo sợ, dân tộc Xê Đăng của đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum; múa khiên trong lễ hội đâm trâu, dân tộc Gia Rai, đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai; làn điệu dân ca Oh Mi - Chào khách của dân tộc K’Ho, tỉnh Lâm Đồng; hòa tấu Cing Kram dân tộc Ê Đê, tỉnh Đác Lắc….

Giáo sư, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan dân ca Việt Nam lần thứ 5 khu vực Tây Nguyên cho biết: Liên hoan lần này ở khu vực Tây Nguyên không có làn điệu dân ca mới được phát hiện. Nhưng thành công lớn nhất của liên hoan chính là sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ nhân, trong đó có nhiều người trẻ, mang theo nét hồn nhiên, trong sáng lên sân khấu với những làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ nguyên thể mang đặc trưng riêng của vùng đất Tây Nguyên.

52505.jpg

Tiết mục trình diễn tại liên hoan.

Đối với các nghệ nhân, cái được lớn nhất khi tham gia là được giao lưu, học hỏi, có thêm nhiều bạn mới. Đặc biệt, các nghệ nhân đều rất phấn khởi, tự hào khi được hát các làn điệu dân ca mang bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương mình, dân tộc mình.

Nghệ nhân Y Củi, làng Kon Klốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cho biết: Làng của em có rất nhiều bạn trẻ biết đánh cồng chiêng và hát dân ca. Em được chọn đi tham gia lần này là một sự may mắn. Em mong sao liên hoan được tổ chức thường xuyên để nhiều bạn được tham dự, học hỏi, tập luyện để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Do thời gian và kinh phí hạn hẹp nên các địa phương chưa có điều kiện đi hết các buôn, bon ở vùng sâu vùng xa sưu tầm và phát hiện các làn điệu dân ca và các nghệ nhân tiêu biểu. Tuy nhiên, liên hoan thực sự góp phần bảo tồn, phát huy vốn dân ca cổ truyền của dân tộc, tạo ra một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Nhà báo Đặng Xuân Thu cho biết: Sau liên hoan lần này, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ chọn những tiết mục đặc sắc được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao để về từng địa phương, từng buôn làng thực hiện những clip ngắn về sinh hoạt của đồng bào, góp phần giúp các địa phương định hướng phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng, từng địa phương và buôn làng.