20% số ca mắc và tử vong do Covid-19 được ghi nhận tại Mỹ

NDO -

Theo thống kê của Worldometers tính đến 8 giờ ngày 2-10 (giờ Việt Nam), có hơn 34,4 triệu ca mắc và 1.027.042 ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất với xấp xỉ 7,5 triệu ca mắc và gần 213 nghìn ca tử vong, chiếm 1/5 số ca mắc và tử vong trên thế giới. 

Các nhân viên y tế tại Trung tâm y tế United Memorial, Houston, Texas, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Các nhân viên y tế tại Trung tâm y tế United Memorial, Houston, Texas, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)

Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới (6.391.960 ca). Trong khi đó, với 144.767 ca tử vong, Brazil ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai, sau Mỹ (212.660 ca).

Tại châu Á, sau Ấn Độ, các nước như Iran, Iraq, Bangladesh, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines và Pakistan đã vượt mốc 310 nghìn ca nhiễm. 

Nhật Bản hôm qua đã nới lỏng quy định nhập cảnh đối với người nước ngoài, vốn được ban hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, nước này vẫn từ chối nhập cảnh đối với khách du lịch.

Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, những người nước ngoài như giáo viên, chuyên gia y tế và những người đủ điều kiện lưu trú trung hay dài hạn từ ba tháng trở lên, sẽ được phép nhập cảnh. Ngoài ra, những người nước ngoài tới Nhật Bản vì mục đích công tác trong thời gian dưới ba tháng cũng đủ điều kiện nhập cảnh. Những người đủ điều kiện sẽ phải có kết quả kiểm tra âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh và các công ty hoặc tổ chức bảo lãnh cho những người này sẽ phải bảo đảm việc họ tự cách ly 14 ngày và không được phép sử dụng giao thông công cộng trong thời gian này. Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét cho phép khoảng 1.000 người nước ngoài nhập cảnh mỗi ngày, trong đó ưu tiên những người có kế hoạch lưu lại trong thời gian tối thiểu ba tháng. 

Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, nước bị ảnh hưởng nhiều nhất sau Mỹ là Mexico với 743.216 ca nhiễm. Những nước như Canada, Panama và CH Dominica đều ghi nhận hơn 110 nghìn ca nhiễm. 

Những con số tương tự của Nam Mỹ cao hơn nhiều. Brazil bị ảnh hưởng nhiều nhất với 4.849.229 ca nhiễm, Colombia và Peru đã ghi nhận hơn 810 nghìn ca nhiễm, trong khi Argentina có 765.002 ca. Con số này ở Chile đã lên tới 464.750 ca. 

Tình hình dịch bệnh ở châu Âu cũng khá nghiêm trọng. Nga là nước ảnh hưởng nhiều nhất với 1.185.231 ca nhiễm, tiếp đến là Tây Ban Nha với 778.607 ca, Pháp với 577.505 ca, Anh có 460.178 ca, trong khi Italy có 317.409 ca.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 1-10 đã gia hạn các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch tại nhiều khu vực ở England, trong đó có thành phố Liverpool. Trước đó, Anh đã bổ sung các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại các địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh tại phía đông bắc England. 

Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết, nước này sẽ gia hạn lệnh đóng cửa biên giới nhằm ứng phó với dịch Covid-19 cho đến cuối tháng 10-2020. Hungary đã đóng cửa biên giới hoàn toàn, không đón người nước ngoài tới nước này từ ngày 1-9, song đồng ý tiếp nhận công dân về nước với điều kiện phải thực hiện cách ly. Tính đến ngày 1-10, nước này ghi nhận tổng cộng 27.309 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 781 ca tử vong, tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây. 

Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này ngày 1-10 đã ban hành sắc lệnh gia hạn các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt tại khu vực thủ đô Madrid, bao gồm lệnh phong tỏa một phần sẽ có hiệu lực trong 48 giờ tới. Hiện thủ đô Madrid là địa phương duy nhất ở Tây Ban Nga có tỷ lệ lây nhiễm cao, 780 ca/100.000 người, trong khi tỷ lệ lây nhiễm ở các khu vực khác của nước này là 300 ca/100.000 người. Tây Ban Nha hiện là nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) và nước này đang ứng phó với làn sóng thứ hai của dịch Covid-19.

Tại Pháp, một điểm nóng ở châu Âu, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran ngày 1-10 cho biết khu vực thủ đô Paris đã vượt qua 3 ngưỡng cảnh báo tối đa về tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Veran tiết lộ, nhà chức trách Pháp sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nếu diễn biến của đại dịch Covid-19 trong khu vực lên tới mức cảnh báo cao nhất.

Cùng ngày, Nga thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu thành công đối với vaccine EpiVacCorona. Đây là vaccine phòng Covid-19 thứ hai của Nga sau vaccine đầu tiên của nước này có tên Sputnik V. Vaccine EpiVacCorona được điều chế dựa trên peptit có khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch. Nga dự định sản xuất lô vaccine EpiVacCorona đầu tiên gồm 10 nghìn liều, bắt đầu vào tháng 11 tới.

Tại châu Phi, ba nước đứng đầu là Nam Phi với 676.084 ca, Morocco với 126.044 ca và Ai Cập ghi nhận 103.317 ca.

Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 2-10:

Thống kê 5 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 7.494.591 ca mắc, 212.660 ca tử vong
2. Ấn Độ: 6.391.960  ca mắc, 99.804 ca tử vong
3. Brazil: 4.849.229 ca mắc, 144.767 ca tử vong
4. Nga: 1.185.231 ca mắc, 20.891 ca tử vong
5. Colombia: 835.339 ca mắc, 20.891 ca tử vong

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Philippines: 314.079 ca mắc, 5.562 ca tử vong
2. Indonesia: 291.182 ca mắc, 10.856 ca tử vong
3. Singapore: 57.784 ca mắc, 27 ca tử vong
4. Myanmar: 14.383 ca mắc, 321 ca tử vong 
5. Malaysia: 11.484 ca mắc, 136 ca tử vong
6. Thái Lan: 3.569 ca mắc, 59 ca tử vong
7. Việt Nam: 1.095 ca mắc, 35 ca tử vong
8. Campuchia: 277 ca mắc
9. Brunei: 146 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Lào: 23 ca mắc

Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 10.751.772 ca mắc, 196.537 ca tử vong 
2. Bắc Mỹ: 8.950.940 ca mắc, 312.476 ca tử vong
3. Nam Mỹ: 8.138.784 ca mắc, 257.721 ca tử vong
4. Châu Âu: 5.093.868 ca mắc, 223.225 ca tử vong
5. Châu Phi: 1.496.977 ca mắc, 36.139 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 31.394 ca mắc, 929 ca tử vong

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường