Khơi thông nguồn vốn
Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI-HOSE) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, từ những ngày đầu hoạt động, SSI đã đặt mục tiêu, chú trọng vào việc giúp Nhà nước và doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK), góp phần hình thành một kênh dẫn vốn hiệu quả, kích thích tạo vốn và phân phối vốn dài hạn theo cơ chế thị trường cho nền kinh tế. Qua đó, khơi dậy và huy động các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển và tiến nhanh hơn đến sự minh bạch, công khai, công bằng và linh hoạt.
Hơn 20 năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên của SSI đã luôn tìm tòi, sáng tạo, khắc phục khó khăn để phát triển với tốc độ nhanh nhất. Sau chặng đường nhiều thăng trầm, đến nay, công ty đã vươn lên vị trí dẫn đầu TTCK Việt Nam với vốn điều lệ lên tới 6.029 tỷ đồng (tính đến tháng 5-2020), tăng tới hơn 1.000 lần so với xuất phát điểm. Tổng tài sản hợp nhất đạt gần 26 nghìn tỷ đồng đến cuối quý II-2020, nhiều năm liên tiếp dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, quản lý gần 180.000 tài khoản khách hàng. Mức đóng góp thuế của SSI tăng dần đều qua các năm và luôn xếp thứ hạng cao trong nhóm 100 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam, đi đầu trong ngành chứng khoán.
Trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2019, SSI đã huy động được 10 tỷ USD cho thị trường Việt Nam, trong đó có nhiều thương vụ có quy mô lớn nhất thị trường Đông - Nam Á.
Tiêu biểu có: Tư vấn bán thứ cấp cổ phần Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE - HOSE) với tổng giá trị giao dịch 742 triệu USD; tư vấn bán thứ cấp cổ phần của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDB - HOSE) với tổng giá trị huy động đạt 300 triệu USD; tư vấn chào bán cổ phần của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM - HOSE) với tổng giá trị bán hơn 1,349 tỷ USD - thương vụ chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử TTCK Đông - Nam Á.
Cùng với đó, SSI cũng tư vấn cổ phần hóa, tư vấn phát hành, tư vấn niêm yết cho nhiều doanh nghiệp nhà nước thành công như: Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí... Các doanh nghiệp nhà nước này đã trở thành công ty cổ phần, hoạt động kinh doanh hiệu quả và đang niêm yết trên TTCK.
Với thế mạnh về vốn, công ty cũng đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh phát hành và đã tư vấn, phát hành trái phiếu cho nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy)…
Xác định khơi thông nguồn vốn, thu hút nhà đầu tư chính là giải pháp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, SSI chủ động phối hợp Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo Gateway to Việt Nam trong các năm 2009, 2010, 2014 và 2017, nhằm chủ động giới thiệu về các doanh nghiệp Việt Nam cho bạn bè quốc tế, trở thành cầu nối đáng tin cậy, kết nối doanh nghiệp và nhà đầu tư tiềm năng, khẳng định sứ mệnh “Kết nối vốn và Cơ hội đầu tư” mà SSI luôn theo đuổi.
Hướng tới một xã hội phát triển bền vững
Không chỉ thu hút nguồn vốn đầu tư, SSI còn là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư vào giá trị cốt lõi, nhằm góp phần phát triển gián tiếp cho kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường tính cạnh tranh cho các sản phẩm đặc trưng thương hiệu Việt, đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp phần tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động.
Xác định Việt Nam vẫn là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà-phê, cao-su, hạt điều và thủy sản chính trên thế giới, SSI dành sự quan tâm của mình trong việc đầu tư vào những doanh nghiệp ngành nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ và công nghệ mới. Đây là những ngành nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2010 đến 2020 của Việt Nam, tạo ra việc làm cho khoảng 70% lực lượng lao động Việt Nam.
Đơn cử, SSI đã đầu tư vào Công ty cổ phần Tập đoàn PAN tạo ra gần 6.200 việc làm lao động phổ thông. Xa hơn, SSI mong muốn đóng góp một cách bài bản cho các lĩnh vực kinh tế truyền thống, nhất là vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, vốn đang được coi là vấn đề toàn cầu.
Xác định một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không đơn thuần chỉ là kinh doanh có lãi, đem lại hiệu quả đầu tư cho cổ đông, đóng mức thuế cao cho ngân sách nhà nước, mà còn có đóng góp cho nền kinh tế, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội, làm tốt công tác từ thiện, SSI đã chủ động đầu tư, xây dựng các chương trình phát triển giáo dục và thể chất cho thế hệ tương lai của đất nước, dành ngân sách gần 100 tỷ đồng cho các hoạt động cộng đồng, trong đó, hơn một nửa dành cho sự nghiệp giáo dục. Đơn vị xây mới trường học tại khu vực phía bắc và Bắc Trung Bộ, tài trợ học bổng cho nhiều sinh viên dọc khắp Việt Nam…
Qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trẻ, đóng góp vào lời kêu gọi xây dựng quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ. Trong năm 2019, thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, SSI đã tham gia tài trợ các tỉnh Đắk Lắk, Hà Giang, xây dựng hàng trăm ngôi nhà kiên cố, tạo điều kiện và động lực để người dân vươn lên thoát nghèo, tài trợ 15 tỷ đồng cho các ngư dân Bình Định trang bị thiết bị giám sát hành trình nghề.
Trong mùa dịch Covid-19, SSI cũng đã kịp thời đóng góp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 5 tỷ đồng để chung tay cùng cả nước chống dịch, tài trợ hơn 30 tấn gạo cho nhiều địa phương, ủng hộ 150 nghìn chiếc khẩu trang…
Với tôn chỉ hoạt động “Chúng tôi tình nguyện thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chung sức vì sự phát triển của cộng đồng”, những năm qua, tổ chức đảng và đảng viên của SSI đều được đảng ủy cấp trên công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển chung của đất nước.