150.000 ca mắc Covid-19 và chiến dịch tăng tốc tiêm chủng của Việt Nam
Số ca mắc Covid-19 mỗi ngày vẫn đi ngang trên bản đồ dịch, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại các tỉnh, thành phố phía nam. Chỉ sau 1 tuần đạt đỉnh 100.000 ca nhiễm Covid-19 (26/7), Việt Nam đã chính thức vượt mốc 150.000 ca vào ngày 1/8. Tăng tốc tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, giảm ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong là yêu cầu cấp thiết ở thời điểm này.
Nỗ lực phẳng hóa đường cong lây nhiễm
Chỉ trong 7 ngày, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam đã tăng thêm 50.000 ca mới, đưa tổng số ca Covid-19 tại Việt Nam vượt mốc 150.000 ca. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày, cả nước phát hiện thêm khoảng 8.000 ca nhiễm. Con số này cao hơn nhiều so với trung bình số ca mắc các tuần trước đó, nhưng cũng đã có phần đi ngang tuần qua.
Đây là những nỗ lực làm phẳng hóa đường cong của lây nhiễm của ngành y tế và chính quyền các địa phương. Biểu đồ số ca F0 đi ngang càng tạo thêm niềm tin về khả năng khống chế dịch bệnh của các tỉnh, thành phố phía nam trong thời gian tới đây.
Từ 19/7, trong vòng 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía nam và 8 ngày giãn cách tại TP Hà Nội (từ 24/7), cả nước ghi nhận hơn 93.000 ca mắc mới. Nhiều địa phương đã quyết định kéo dài giãn cách xã hội để tăng thêm các biện pháp mạnh hơn nữa, làm sạch các “vùng đỏ”.
Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19:
“Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần /ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (hơn 6 lần bình quân/ ngày).
Tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hằng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Do đó để kiểm soát được dịch có thể mất hàng tháng, TP Hồ Chí Minh có thể sẽ tiếp tục kéo dài giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần nữa, sau ngày 1/8.
Trong khi đó, dịch lại đang tiếp tục leo thang ở nhiều địa phương lân cận, trong đó nặng nề nhất là Bình Dương với số ca mắc gia tăng liên tiếp cao nhiều ngày qua. Đến nay, địa phương này ghi nhận 16.094 ca nhiễm, đứng thứ 2 cả nước. Long An, Đồng Nai cũng đứng trong top 5 ca nhiễm tại Việt Nam.
Tại Hà Nội, một tuần qua đã phát hiện nhiều chùm ca bệnh ho, sốt ngoài cộng đồng. Hà Nội cũng đã triển khai những biện pháp mạnh ngay từ ngày 24/7 bằng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Chỉ thị của thành phố với các biện pháp giãn cách xã hội cao nhất để ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu hơn, Hà Nội đã gấp rút xây bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Tam Trinh, quận Hoàng Mai, đồng thời yêu cầu khẩn trương kiểm tra, hoàn thiện 10 dự án nhà tái định cư để trưng dụng phòng, chống dịch. Mô hình điều trị tháp "4 tầng" cũng đã được đặt ra và TP Hà Nội đã phân công cho các bệnh viện đảm nhận các tuyến điều trị.
Để hạn chế tới mức thấp nhất việc lây nhiễm lan rộng, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày (kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969/TTg-KGVX) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021.
Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh thì phải có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.
Trước tình hình rất nghiêm trọng của đợt dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, các địa phương phải tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.
Ngành y tế đã tập trung mọi nguồn lực, những nhân lực tinh nhuệ nhất "đổ bộ" miền nam để thiết lập nhanh chóng các Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19, nhằm mục tiêu phát huy phương châm “4 tại chỗ” thông qua nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực của bệnh viện các tuyến, đồng thời kết hợp phương châm “3 tập trung” gồm tập trung nguồn lực, tập trung chuyên gia, tập trung người bệnh Covid-19 nặng để điều trị.
Chiến dịch đẩy mạnh tiêm chủng của Việt Nam
Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 16 triệu liều vaccine từ nhiều nguồn và Bộ Y tế đã cấp phát cho các địa phương để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Hiện một số địa phương hiện đang triển khai tiêm cho các “vùng xanh”, đợi làm sạch “vùng đỏ” rồi tiêm chủng. Trong khi đó, Bình Dương lại sáng tạo triển khai tiêm chủng tập trung đánh vào “vùng đỏ”. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao cách sáng tạo của tỉnh Bình Dương.
Theo Bộ Y tế, hiện có 8 tỉnh có tiến độ triển khai tiêm vaccine nhanh, trên 70% số liều được phân bổ như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương…
Tuy nhiên, kết quả tiêm chủng ở một số tỉnh, thành phố hiện chưa như yêu cầu mong muốn. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện đúng hướng dẫn trong tiêm chủng đặc biệt là phòng, chống dịch trong một buổi tiêm chủng.
Có nhiều nguyên nhân được đặt ra về tiến độ tiêm chủng còn khiêm tốn như ở khâu tổ chức triển khai nhiều nơi còn lúng túng. Đặc biệt, tại một số tỉnh phải thực hiện Chỉ thị 16 do phải giãn cách xã hội nên tốc độ cũng có phần nào chững lại.
Đặc biệt, tại địa bàn nóng nhất là TP Hồ Chí Minh, tuần qua kể từ khi được phân bổ vaccine lần thứ năm (930.000 liều,) trung bình thành phố tiêm được khoảng 36.881 liều/ngày. Như vậy sau 6 ngày, TP Hồ Chí Minh tiêm chưa đến 1/4 số vaccine được phân bổ. Lãnh đạo thành phố này cho biết, với tốc độ tiêm như hiện nay phải mất 25 ngày, gấp đôi thời gian so với kế hoạch trước đó của thành phố (12 ngày), chậm tiến độ hoàn thành tiêm chủng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng chia sẻ, TP Hồ Chí Minh phải đối mặt với nguy cơ tỷ lệ tử vong rất cao nếu chậm tiêm vaccine cho người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể.
“Tôi không biết nói gì hơn và tha thiết đề nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TP Hồ Chí Minh tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đây là tinh thần cả nước hướng về TP Hồ Chí Minh. Thời điểm này từng liều vaccine cực kỳ quý giá sẽ giúp được TP Hồ Chí Minh chống dịch và cứu được nhiều người hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Để tăng tốc tiêm vaccine, với mục tiêu tiêm 200.000 liều/ngày, Bộ Y tế đã đồng ý cho TP Hồ Chí Minh sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp bảo đảm an toàn. Theo đó, rút ngắn một số quy trình tiêm chủng như không cần phải chờ 30 phút sau tiêm, triển khai tiêm từ 18 giờ đến 6 giờ trên địa bàn phường, quận với số lượng người cụ thể, có quy định, nhận diện cụ thể để người dân có thể ra đường đi tiêm sau 18 giờ.
Đến ngày 31/7, TP Hồ Chí Minh đã được phân bổ 3 triệu liều vaccine, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ vaccine nhiều hơn nữa cho địa phương đang bị tổn thất nặng nhất bởi Covid-19.
Ở giai đoạn dịch tấn công sâu và rộng tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải nâng cao mức chống dịch lên cao hơn nữa. Phải kiên định mục tiêu giảm ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, đồng thời kiên định chiến lược phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị hiệu quả.
LAM GIANG
Ảnh: DUY LINH, Bộ Y tế