Thông tin mới

144 tân thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cho các tỉnh Tây Nguyên

Trường đại học Tây Nguyên vừa tổ chức lễ tốt nghiệp sau đại học cho 144 tân thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp 1 tốt nghiệp năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Trường đại học Tây Nguyên và các tân thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I tốt nghiệp năm 2023.
Lãnh đạo Trường đại học Tây Nguyên và các tân thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I tốt nghiệp năm 2023.

Đào tạo sau đại học của Trường đại học Tây Nguyên được tổ chức với đội ngũ giảng viên tâm huyết, trình độ chuyên môn cao, có học hàm, học vị phó giáo sư, tiến sĩ, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, với nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy lý thuyết và thực hành…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường đại học Tây Nguyên, các học viên đã nỗ lực trong học tập, hoàn thành tốt chương trình đào tạo, đạt thành tích học tập đáng khích lệ. Với những kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm được thầy cô truyền đạt trong thời gian học tập tại trường, lãnh đạo nhà trường gửi gắm niềm tin đến các tân thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1 sẽ sẵn sàng trở lại làm việc tại bệnh viện, trong đơn vị, cơ quan, ban, ngành công tác với tâm thế mới, tự tin vận dụng vào công việc giảng dạy, thực hành, vận dụng những kiến thức đã học để phát huy trong môi trường thực tế với nhiều thành công…

Thêm 143 tỷ đồng phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 1334/KH-UBND bố trí gần 143 tỷ đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho 2 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh năm 2023.

Cụ thể: Dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt với 136,6 tỷ đồng (trong đó, hỗ trợ đất ở 4,85 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở 20,64 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề hơn 111,1 tỷ đồng) và Dự án 2, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát triển tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị với 6,224 tỷ đồng (chủ yếu để hỗ trợ thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

Giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn vay tín dụng chính sách của tỉnh Gia Lai ưu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh là hơn 822 tỷ đồng.

Hòa giải thành công hơn 12,7 nghìn vụ việc tại Lâm Đồng

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, địa phương tiếp nhận hơn 16 nghìn vụ việc và đã hòa giải thành công hơn 12,7 nghìn vụ, đạt 79,6%. Các nội dung vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn tại cơ sở...

Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.100 tổ hòa giải, với 7.879 hòa giải viên. Trong đó có 1.898 hòa giải viên người dân tộc thiểu số, 119 hòa giải viên có trình độ chuyên môn luật và 6.334 hòa giải viên đã tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Thông qua hoạt động hòa giải đã góp phần duy trì, củng cố khối đại đoàn kết nhân dân, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cộng đồng dân cư.

Đầu tư 11,6 tỷ đồng trang bị kiến thức vùng nông thôn Đắk Glong

Số tiền 11,6 tỷ đồng được triển khai cho Tiểu dự án thuộc Dự án 4, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông). Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 10,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Mục tiêu của Tiểu dự án là nâng cao kỹ năng thực hành chăn nuôi, trang bị kỹ năng, kiến thức chăn nuôi cho vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đến nay, dự án đã mở được 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 93 học viên. Các lớp đào tạo chủ yếu tập trung trang bị kiến thức về chăn nuôi - thú y cho người dân tại các xã Đắk R’măng, Quảng Sơn và Đắk Ha. Ngoài ra, Dự án đã hoàn thành việc điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề, thông tin thị trường lao động tại các xã, với kinh phí hơn 475 triệu đồng.

Tuyên truyền măng non "Cuộc sống không khói thuốc"

Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp với Trung tâm Hướng dẫn hoạt động Thiếu nhi Trung ương và Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá vừa tổ chức Cuộc thi các đội, nhóm tuyên truyền măng non chủ đề "Cuộc sống không khói thuốc" năm 2023. Có gần 100 tuyên truyền viên thiếu nhi thuộc 7 đội tuyên truyền măng non tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum tham gia.

Cuộc thi là hoạt động thiết thực, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; là cơ hội để thiếu nhi được giao lưu, học tập, thể hiện năng khiếu nghệ thuật, bồi dưỡng thêm những suy nghĩ, sự sáng tạo trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây được coi là một sân chơi bổ ích, an toàn, lành mạnh, là ngày hội của tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi, chia sẻ kỹ năng giữa các em thiếu nhi trong toàn tỉnh.