Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ là giải thưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế, được xét trao tặng cho tác giả của các công trình xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, có tính khả thi; mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của địa phương.
Sau 3 lần tổ chức, Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ đã góp phần tích cực vào việc động viên, khuyến khích, tôn vinh các tác giả, các nhà khoa học trên địa bàn, nhiều công trình đạt giải đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội.
Theo TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, sau gần 6 tháng phát động Giải thưởng, Ban Tổ chức đã nhận được hồ sơ của 40 công trình, cụm công trình đăng ký xét tặng giải thưởng trên 5 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực khoa học kỹ thuật có 7 ứng cử; lĩnh vực khoa học tự nhiên: 2 ứng cử; lĩnh vực khoa học nông-lâm-ngư nghiệp: 6 ứng cử; lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: 9 ứng cử; lĩnh vực khoa học y dược: 16 ứng cử.
Trên cơ sở kết quả xem xét, đánh giá của Hội đồng xét tặng giải thưởng của tỉnh đã lựa chọn 14/17 công trình, cụm công trình trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định tặng thưởng. Những công trình đạt giải đều là những công trình xuất sắc, không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có giá trị về thực tiễn đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, khu vực miền trung-Tây Nguyên và cả nước nói chung.
Các công trình đạt giải gồm:
- 1 công trình, “AIQuant-Hệ thống trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực tài chính”, ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
- 2 công trình, “Nghiên cứu mối liên quan giữa điều hòa biểu hiện gen và quá trình chuyển hóa thứ cấp để cải thiện sinh tổng hợp một số hoạt chất sinh học có giá trị từ nuôi cấy tế bào thực vật” và “Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang-Bạch Mã”, ở lĩnh vực khoa học tự nhiên.
- 1 công trình “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài dược liệu Sâm Cau (Curculigo orchioides Gaertn) tại khu vực Trung Trung bộ” và 1 cụm công trình “Ứng dụng công nghệ sinh học trong khai thác và phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế ở Thừa Thiên Huế” trong lĩnh vực khoa học nông-lâm-ngư nghiệp.
- 3 công trình, “Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Kiến trúc đình làng tỉnh Thừa Thiên Huế”, trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
- 2 công trình, “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật nội soi hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa gan mật ở Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược Huế” và “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến trong chẩn đoán và can thiệp một số bệnh lý”, và 4 cụm công trình, “Ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế”, “Nghiên cứu tình hình đột quỵ; thực trạng một số bệnh không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ và một số giải pháp can thiệp dự phòng cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế”, “Ứng dụng kỹ thuật cao phát hiện sự khuếch đại gen HER2 trong ung thư vú ở phụ nữ miền trung-Tây Nguyên Việt Nam” và “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật cao trong điều trị bệnh lý sỏi mật”, trong lĩnh vực y tế.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận và biểu dương Ban Tổ chức cuộc thi, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức Giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ năm 2021.
Đặc biệt, biểu dương các tác giả của 14 công trình, cụm công trình được xét trao tặng Giải thưởng năm nay; đồng thời, đánh giá cao những nỗ lực của đội ngũ những người trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng khoa học và công nghệ vào kinh doanh sản xuất, vào thực tế cuộc sống xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phương đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 7 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh cần phát huy hơn nữa tính tích cực, chủ động và sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thi đua nghiên cứu, sáng tạo cống hiến tài năng, trí tuệ tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, tạo động lực bứt phá quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển bền vững, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.