Cụ thể, vào trưa 18/12, một nhóm 11 người tổ chức ăn lẩu tại Nhà Văn hóa thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pác Nặm.
Bữa ăn gồm: rau xanh, thịt lợn, mì tôm, trứng gà, khoảng 300g củ ô đầu (còn gọi là củ ấu tẩu) tươi cho vào nồi lẩu và rượu trắng.
Sau khi ăn khoảng 5-10 phút, một số người thấy hiện tượng tê đầu lưỡi và buồn nôn, nôn nên đã dừng ăn. Tuy nhiên, vẫn còn 4 người tiếp tục ăn mì tôm và rau xanh trong nồi.
Đến khi cũng có triệu chứng tê lưỡi, buồn nôn... và thấy những người bị trước chuyển biến nặng hơn thì tất cả mới dừng ăn.
Có 7 người bị ngộ độc nặng được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cấp cứu; 4 người triệu chứng nhẹ hơn tự theo dõi tại nhà.
Theo Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm, nguyên nhân ngộ độc là do thức ăn trong nồi lẩu có củ ấu tẩu.
Đến trưa 19/12, tất cả các trường hợp vào viện đã ổn định; 6 người đã được xuất viện; đến đầu giờ chiều còn 1 bệnh nhân phải ở lại để tiếp tục theo dõi.
Ngộ độc thực phẩm do sử dụng nguyên liệu là các loại lá cây, củ rừng, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn thường xảy ra ở Bắc Kạn.
Mới nhất, vào ngày 17/10, tại thành phố Bắc Kạn đã có 5 người bị ngộ độc do rượu có hàm lượng Methanol cao gấp nhiều lần mức cho phép.
Từ năm 2018 tới nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra hơn 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 209 người mắc, trong đó có 3 người tử vong. Chiếm phần lớn trong số này là các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên từ lá ngón, nấm độc.