PGS, TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ngày 13-4, trong bối cảnh Bệnh viện Bạch Mai vừa được dỡ lệnh cách ly vì đại dịch Covid-19, Khoa Cấp cứu A9 nhận được đề nghị hỗ trợ của Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc về sản phụ Nguyễn Thị Thanh Tâm (30 tuổi, Lập Thạch, Vĩnh Phúc), sinh con lần thứ ba.
Sản phụ được chẩn đoán sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, vỡ gan, suy đa tạng sau phẫu thuật lấy thai. Ngay lập tức, kíp cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai được nhấn nút, sẵn sàng đón sản phụ từ cổng viện.
Theo BS Chi, nhiễm độc thai nghén nặng và có biểu hiện của hội chứng HELLP là một biến chứng khá thường gặp trong sản khoa. Tuy nhiên, vỡ gan tự phát trong hội chứng này là vô cùng hiếm gặp, mỗi năm thế giới cũng chỉ ghi nhận vài chục ca.
"Quá trình điều trị cho bệnh nhân vô cùng khó khăn do bệnh nhân mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy gan nặng, tiếp tục chảy máu. Cuộc chiến với bệnh nhân này kéo dài trong nhiều tuần, liên tục giải quyết câu chuyện suy gan và hội chứng suy tế bào gan, rối loạn đông máu, suy các phủ tạng khác…", BS Chi cho biết.
Trước đó, bệnh nhân xuất hiện đau bụng dữ dội, vào viện Sản nhi Vĩnh Phúc với chẩn đoán suy thai - tiền sản giật, được mổ lấy thai. Sau mổ, bệnh nhân mất máu nhiều, tụt huyết áp, tiến hành mổ lại thấy vỡ gan, đờ tử cung, được tiến hành cắt tử cung bán phần, nhét gạc cầm máu nhu mô gan, chuyển Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc mất máu, chảy máu ổ bụng, rối loạn đông máu, suy gan cấp.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được tiến hành hồi sức tích cực, mổ lại đốt cầm máu diện gan vỡ, chèn gạc cầm máu. Sau mổ bệnh nhân vẫn tiếp tục chảy máu nhiều qua sonde dẫn lưu ổ bụng. Tất cả các chế phẩm máu truyền vào lúc này đều không có hiệu quả.
Trước tình huống nguy kịch, ngay trong buổi tối ngày 14-4, bệnh nhân được hội chẩn do PGS, TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chủ trì kết luận: Chảy máu trong ổ bụng do vỡ gan, Hội chứng HELLP sau mổ đẻ thai 35 tuần, chỉ định truyền các chế phẩm máu, chụp DSA xét can thiệp nút mạch để giải quyết tình trạng chảy máu trước.
Hồi 19 giờ 30 phút ngày 14-4, bệnh nhân được nút mạch cầm máu các nhánh hạ phân thùy gan IV, V. Sau can thiệp, bệnh nhân còn tình trạng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, điều chỉnh tình trạng mất máu, rối loạn đông máu bằng truyền chế phẩm máu, thay huyết tương, lọc máu liên tục năm lần.
Tình trạng sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng bệnh nhân cải thiện. Ổ máu tụ dưới bao gan áp xe hóa kích thước 11x4 cm, cấy dịch ổ áp xe ra klebsiella pneumonia (một loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh cơ hội). Bệnh nhân được tiến hành chọc dẫn lưu ổ áp xe dưới hướng dẫn siêu âm nhiều lần, ra ít dịch, ổ áp xe không cải thiện kích thước.
10 giờ ngày 17-6, bệnh nhân được hội chẩn toàn viện do TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, huyết học, điện quang, sản khoa… đã thống nhất kết luận: Ổ áp xe gan tồn dư, chỉ định phẫu thuật làm sạch ổ áp xe.
Ngày 22-6, bệnh nhân được mổ làm sạch ổ áp xe, đặt hai dẫn lưu vào ổ áp xe. Tình trạng nhiễm trùng cải thiện, ổ áp xe thu nhỏ. Sau ba tháng điều trị tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng sức khỏe bệnh nhân Tâm hiện tại ổn định và được ra viện ngày 29-7.
Mắc bệnh nặng, hiểm nghèo mà hoàn cảnh gia đình bệnh nhân lại vô cùng khó khăn, số tiền vượt quá khả năng chi trả. Nắm được thông tin đó, Phòng Công tác xã hội đã luôn quan tâm, động viên gia đình, không chỉ kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân mà còn động viên gia đình yên tâm điều trị. Tổng số tiền kêu gọi được lên tới 230.400.000 đồng (Hai trăm ba mươi triệu, bốn trăm nghìn đồng) đã giúp gia đình chị Tâm trang trải viện phí và an tâm điều trị.