10 thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19

NDO -

Ngày 16-4, ông Bernie Sanders và chín thượng nghị sĩ đảng Dân chủ khác đã thúc giục Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc tạm thời từ bỏ bằng sáng chế đối với vaccine ngừa Covid-19 để cho phép các quốc gia sản xuất vaccine tại địa phương và đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.

Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.

Miễn trừ Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến thương mại (TRIPS) do Ấn Độ và Nam Phi đề xuất vào tháng 10-2020, nhằm tạm thời dỡ bỏ một số rào cản về sở hữu trí tuệ và cho phép các quốc gia sản xuất vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm Covid-19 trong nước.

Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã kịch liệt phản đối đề xuất này tại WTO. Các nhà phân tích cho rằng, việc các công ty dược phẩm lớn liên tục vận động hành lang chống lại việc miễn trừ quyền SHTT, ngay cả chỉ trong một khoảng thời gian giới hạn, là một trong những lý do khiến Mỹ và EU phản đối việc từ bỏ.

Trong lá thư của mình, các thượng nghị sĩ kêu gọi Tổng thống Biden chấp nhận sự miễn trừ để giúp chấm dứt đại dịch. Những người ủng hộ việc các nước khác tiêm chủng chậm sẽ cho phép virus tiếp tục tạo ra các đột biến nguy hiểm.

10 thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Biden ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine -0
Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sanders.

Họ nói: "Để đại dịch kết thúc nhanh nhất và cứu mạng sống của người Mỹ và mọi người trên thế giới, chúng tôi yêu cầu ông ưu tiên con người hơn lợi nhuận của công ty dược phẩm bằng cách đảo ngược quan điểm của cựu Tổng thống Trump và tuyên bố sự ủng hộ của Mỹ đối với việc miễn trừ TRIPS của WTO".

Trước đó, ngày 14-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonko-Iweala kêu gọi các thành viên WTO giải quyết vấn đề tiếp cận vaccine không bình đẳng, trong đó các nước thu nhập thấp chỉ có được 0,2% trong số 700 triệu liều vaccine trên toàn cầu.

Bà kêu gọi các thành viên WTO thúc đẩy đàm phán về đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi và được hơn 80 thành viên WTO ủng hộ là sẽ tạm thời từ bỏ quyền SHTT của các công ty dược phẩm. Vấn đề này sẽ được các thành viên WTO thảo luận vào đầu tháng 5 tới.

Trong tuần này, Đại diện thương mại Hoa Kỳ, bà Katherine Tai cho biết, trước đây, trong cuộc khủng hoảng HIV/AIDS, khoảng cách chênh lệch giữa khả năng tiếp cận thuốc của các nước phát triển và đang phát triển đã dẫn đến sự thất bại trên thị trường và đây là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Tuy nhiên, Phòng Thương mại Hoa Kỳ và các công ty dược phẩm lớn như Pfizer - BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson phản đối việc tạm thời từ bỏ quyền SHTT đối với vaccine.

Họ cho rằng điều này có thể làm giảm tính an toàn của vaccine trên toàn thế giới, đồng thời cho rằng, các vấn đề khác như cải thiện mạng lưới phân phối là những ưu tiên cấp bách hơn nhiều.

Hôm 14-4, 60 cựu nguyên thủ quốc gia và 100 nhà khoa học đoạt giải Nobel cũng gửi một bức thư gửi kêu gọi Tổng thống Mỹ Biden ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vaccine Covid-19.