Sáng 28/12, tại Press Club, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2022 trên cơ sở sự bình chọn của các nhà báo theo dõi ngành. Đây là sự kiện thường niên được Câu lạc bộ tổ chức trước khi kết thúc năm và là năm thứ 15, các sự kiện tiêu biểu trên thị trường chứng khoán được công bố.
1. VN-Index giảm 35% trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8% năm 2022
Theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 6-6,5% đã định.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới gập ghềnh khó khăn, thành quả tăng trưởng vượt bậc trên khiến nhiều tổ chức quốc tế như IMF, UOB, HSBC, Moody’s… liên tục đưa ra những đánh giá tươi sáng về tương lai Việt Nam.
Tuy nhiên, trái ngược với đà phục hồi và tăng trưởng cao của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi một dấu ấn buồn trong năm 2022 khi chỉ số VN-Index suy giảm rất mạnh.
Cụ thể, từ mức 1.498 điểm khởi đầu năm, VN-Index rơi xuống ngưỡng 980 điểm cuối năm 2022.
Trong năm, VN-Index đạt đỉnh 1.536,45 điểm vào ngày 10/1/2022 và về đáy ở 873,78 điểm vào ngày 16/11/2022.
Tính chung cả năm, với mức giảm 35% của VN-Index, hầu hết các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán phải chấp nhận thua lỗ.
2. Cú sốc tâm lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Sau giai đoạn bùng nổ năm 2020-2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ghi nhận sự trầm lắng trong phần lớn thời gian năm 2022 với khối lượng phát hành, thanh khoản giảm mạnh.
Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” tổ chức ngày 30/11/2022. (Ảnh: ANH TUẤN) |
Tính đến cuối tháng 11/2022, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ đạt gần 330 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 28,5% so với cùng kỳ 2021. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký là 1,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP.
Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại một số tập đoàn lớn.
Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.
Để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái hỗ trợ.
Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng lùi thời hạn áp dụng 1 năm đối với các quy định: xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm; và bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu…
Hầu hết các thành viên thị trường ủng hộ việc nới thời hạn áp dụng một số quy định trong Nghị định 65, để giúp doanh nghiệp có thể cơ cấu lại dòng tiền trả gốc và lãi; đồng thời cải thiện niềm tin cho nhà đầu tư, kéo dòng tiền trở lại với thị trường vốn.
3. Dấu ấn xử lý hình sự và xử phạt hành chính các sai phạm chứng khoán
Năm 2022, hoạt động thanh tra, giám sát trên thị trường chứng khoán để lại nhiều dấu ấn trong xử lý vi phạm hành chính lẫn hình sự.
11 tháng đầu năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 442 trường hợp, với tổng số tiền phạt 33,41 tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp về thao túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả: buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư....
Căn cứ trên kết quả giám sát, ngành chứng khoán đã chuyển cơ quan công an xử lý hình sự đối với nhóm cổ phiếu FLC, đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “nhóm Louis” và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần ASA cùng một số đơn vị khác.
4. Năm chứng kiến làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng
Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn lớn bị cấm xuất cảnh; Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng sắp bị bắt; ngân hàng S sắp vỡ nợ; công ty chứng khoán V; khó khăn thanh khoản do liên quan đến trái phiếu công ty X…chưa khi nào những tin đồn tương tự kiểu như vậy xuất hiện tràn lan trên các hội, nhóm diễn đàn như năm 2022.
Nhiều đối tượng lợi dụng tin đồn để lập nhóm, phím hàng mua bán khiến cho thị trường chứng khoán có những giai đoạn liên tục đỏ lửa, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.
Không những vậy, tin đồn cũng đã khiến cho các doanh nghiệp vốn đã khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng…, lại càng thêm điêu đứng trên thương trường.
Tin đồn thất thiệt khiến nhiều doanh nghiệp rối bời và lên tiếng trấn an dư luận, nhưng hậu quả để lại với giá cổ phiếu là không tránh khỏi.
Trước thực trạng trên, Bộ Công an liên tục đưa ra khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận.
Nhiều cá nhân đã bị xử lý vì tung tin đồn thất thiệt. Đáng chú ý trong số đó là trường hợp Facebooker Đặng Như Quỳnh. Quỳnh bị Cơ quan An ninh điều tra, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khởi tố bị can, bắt khẩn cấp vì hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân", quy định tại Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Trước đó, một số cá nhân truyền tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội cũng bị cơ quan quản lý xử phạt vi phạm hành chính.
5. Các công ty chứng khoán giải chấp hàng loạt cổ phiếu cầm cố của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán giảm sâu năm 2022, bên cạnh việc giải chấp trong các giao dịch thông thường của nhà đầu tư, lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Hoạt động này đồng thời cho thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đã phải cầm cố lượng lớn cổ phiếu/danh mục đầu tư để vay tiền từ các công ty chứng khoán hoặc làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn.
Dòng cổ phiếu giải chấp từ lãnh đạo doanh nghiệp, điển hình là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán.
Chưa hết, việc mất thanh khoản trong các giao dịch giải chấp đã làm tăng sức ép các lãnh đạo doanh nghiệp phải bán đi các cổ phiếu khác trong danh mục đầu tư không cầm cố, từ đó càng thúc đẩy tốc độ giảm giá cổ phiếu chung trên thị trường.
Bên cạnh việc điều chỉnh thông thường, dòng cổ phiếu phải giải chấp với quy mô lớn của các lãnh đạo doanh nghiệp là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022.
6. Thị trường chứng khoán phái sinh vượt qua mốc 1 triệu tài khoản sau 5 năm vận hành
Thị trường phái sinh sản phẩm Hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index chính thức vận hành ngày 10/8/2017. Trải qua 5 năm, quy mô thị trường gia tăng vượt bậc và dần trở thành một công cụ phòng vệ hữu hiệu, đáp ứng nhu cầu giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư.
(Ảnh minh họa: HNX) |
Riêng trong năm 2022, thị trường phái sinh ghi nhận nhiều kỷ lục, như có thêm 416.840 tài khoản đầu tư phái sinh được mở mới, nâng tổng số tài khoản phái sinh lên 1.150.883; Thanh khoản trung bình 11 tháng đạt 249.159 hợp đồng/phiên, tăng 31,91% so với bình quân năm 2021. Trong năm, kỷ lục thanh khoản được lập ngày 25/10/2022 với 647.457 hợp đồng.
Theo thời gian, thị trường phái sinh phát huy vai trò giữ chân dòng vốn ngắn hạn khi thị trường cổ phiếu sụt giảm, đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư phòng vệ, giảm áp lực phải bán tháo danh mục cổ phiếu.
Tuy nhiên, do quy mô tăng mạnh nên năm 2022 có những thời điểm thị trường phái sinh tác động đáng kể lên thị trường cổ phiếu, nhất là trong những ngày đáo hạn hợp đồng.
Để hạn chế tác động này, từ ngày 16/6/2022, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đã thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối ngày giao dịch cuối cùng (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa), sau khi loại trừ 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục. Đồng thời từ ngày 15/12/2022, tỷ lệ ký quỹ ban đầu tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 13% lên 17%.
7. Điểm sáng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Tính tới hết ngày 23/12, khối ngoại đã mua ròng gần 27 nghìn tỷ đồng, tương đương với hơn 1,16 tỷ USD, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một điểm sáng hiếm hoi về thu hút vốn ngoại trong năm 2022 này.
Điểm nhấn của vốn ngoại trong năm 2022 là hoạt động mua ròng của khối ngoại được yểm trợ lớn qua kênh ETF. Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 12, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục, đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, vượt xa giá trị 13,5 nghìn tỷ đồng của cả năm 2021.
Theo nhiều dự báo, ETF vẫn là công cụ đầu tư hữu hiệu trong thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Trước đó, trong quý 1, vốn ngoại có diễn biến bán ròng mạnh trong quý đầu năm, nhưng đã bền bỉ mua vào kể từ đầu quý 2. Đáng chú ý trong hai tháng cuối năm, sự đảo chiều mạnh mẽ của vốn ngoại đã góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán bớt giảm sâu và tăng điểm trong các nhịp phục hồi.
(Ảnh minh họa: HNX) |
8. Áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đến gần hơn mục tiêu được nâng hạng
Từ ngày 29/8/2022, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) - tổ chức được thành lập trên cơ sở Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - đã chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2.
Cụ thể, thời gian ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền và VSDC hoàn tất thanh toán chứng khoán được điều chỉnh từ 15 giờ 30 phút - 16 giờ xuống 11 giờ - 11 giờ 30 phút ngày T+2.
Trong trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền thì thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12 giờ ngày T+2.
Như vậy, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.
Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán là một điểm cộng cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 và giúp thị trường đến gần hơn với mục tiêu được nâng hạng.
Chính sách này giúp nhà đầu tư cải thiện vòng quay giao dịch cổ phiếu, chủ động hơn trong chiến lược đầu tư, kịp thời hiện thực hóa lợi nhuận, hoặc giảm thiểu thiệt hại tùy theo diễn biến của thị trường.
9. Số tài khoản chứng khoán đạt 6,8% dân số Việt Nam
Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2022, tổng số tài khoản đầu tư mở mới đạt 2.487.665 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 2.483.124 tài khoản.
Số lượng tài khoản mở mới 11 tháng đầu năm 2022 cao gấp 1,5 lần mức kỷ lục về chỉ tiêu tài khoản mở mới được ghi nhận năm 2021.
Một cách so sánh khác, số tài khoản đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán riêng trong năm 2022 còn cao hơn tổng số tài khoản mở trong 5 năm trước cộng lại.
Tính đến cuối năm 2022, số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước chiếm tới 6,8% tổng dân số Việt Nam, vượt xa mục tiêu 5% được đưa ra trong Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Ðề án cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020-2025.
Nhờ lượng nhà đầu tư mới tham gia kỷ lục, thị trường tiếp tục xuất hiện những phiên thanh khoản rất lớn trong 3 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư mới đã phải trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh của giá cổ phiếu và số lượng tài khoản mới mở giảm nhanh trong hai quý cuối năm 2022.
10. Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2022 tiếp tục khó khăn
Tính đến ngày 15/12/2022, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3,6 nghìn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự toán nộp vào ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 nghìn tỷ đồng - đạt 11% kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Về cổ phần hóa, Bộ Tài chính ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phà An Giang, với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn của Chính phủ, đạt 30% kế hoạch.