Yên Bái có 296 trường học đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc”

NDO - Ngày 21/8, tỉnh Yên Bái triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024; công bố quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp độ 2.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2022-2023.

Trong năm học 2022-2023 công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Kỷ cương, nền nếp trong các đơn vị, nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Mạng lưới trường, lớp học được rà soát, sắp xếp phù hợp; quy mô phát triển ổn định tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực.

Toàn tỉnh có 466 cơ sở giáo dục. Riêng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 442 đơn vị với quy mô gần 7.000 lớp, hơn 227.000 học sinh; so với năm học trước tăng 68 lớp, tăng 1.259 học sinh.

Yên Bái có 296 trường học đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc” ảnh 1

Kiểm tra kiến thức đầu vào lớp 1 tại trường tiểu học xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Số học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia tăng cao (đoạt 33 giải, trong đó có 2 giải Nhất); đội tuyển của tỉnh Yên Bái đứng thứ 5 trong 15 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía bắc; đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú được củng cố và phát triển; chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bỏ học giảm, kỹ năng sống của học sinh người dân tộc thiểu số được tăng lên.

Chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập tiểu học cơ sở, xóa mù tiếp tục đạt mức cao và bền vững. Năm 2023, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.

Ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đi đầu trong chuyển đổi số và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, đến nay 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng mô hình chuyển đổi số trong trường học với 10 tiêu chí cụ thể.

Tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình “Trường học hạnh phúc” với ba giá trị cốt lõi là “yêu thương, an toàn, tôn trọng”. Đến nay, tỉnh đã có 296 trường được công nhận đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc” (chiếm 66,9% tổng số trường, vượt 16,9% so với chỉ tiêu kế hoạch).

Yên Bái có 296 trường học đạt tiêu chí “Trường học hạnh phúc” ảnh 2

Học sinh dân tộc H'Mông xã Hồng Ca tham gia trải nghiệm tại "Trường học hạnh phúc".

Thời gian tới, Yên Bái tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rà soát, sắp xếp hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú phù hợp điều kiện mới hiện nay; phấn đấu năm 2025 bảo đảm tỷ lệ 10% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông được học tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

Trước mắt, tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ giáo viên và học sinh huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả, thiệt hại do thiên tai, mưa lũ, để bước vào năm học mới 2023-2024 theo đúng chương trình, kế hoạch năm học.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho 4 tập thể và 121 cá nhân, công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” cho 6 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022-2023.