Yên Bái bảo đảm “mục tiêu kép” không để đứt gãy chuỗi sản xuất

NDO -

Sáng 21/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 9 điểm cầu của các huyện, thị, thành phố và 9 điểm cầu tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Theo đánh giá, 8 tháng đầu năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đã nêu cao tinh thần chủ động vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới. Tỉnh đã có 209 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 2.600, với tổng vốn đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng.

Doanh thu 8 tháng của các doanh nghiệp ước đạt hơn 21.100 tỷ đồng, bằng 125,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số HTX thành lập là 63, tăng 16,7% so với cùng kỳ, nâng tổng số HTX hiện có toàn tỉnh là 564. Doanh thu bình quân của một HTX đạt khoảng 1,3 tỷ đồng. 8 tháng qua, các doanh nghiệp và HTX nộp ngân sách Nhà nước hơn 823 tỷ đồng, chiếm khoảng 62% tổng thu cân đối của tỉnh, tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động, 418 doanh nghiệp, 41 HTX tạm ngừng hoạt động; 28 doanh nghiệp và 2 HTX giải thể; số lao động bị mất việc được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tháng 8 là 2.360 người, số tiền chi trả hơn 31 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp đề nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai; hỗ trợ miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng; đề nghị được cung cấp thông tin về quy hoạch về sử dụng đất, bình ổn giá vật liệu; triển khai tiêm vaccine cho người lao động; hỗ trợ đóng BHXH cho người lao động…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình phát triển kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung cao nhất thực hiện “mục tiêu kép”, đặc biệt, tập trung phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm kiểm soát và giữ vững "vùng xanh" an toàn. Yêu cầu các sở, ban, ngành cần triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX theo chính sách của trung ương, của tỉnh.

Thực hiện tốt cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó đặc biệt quan tâm đến các thủ tục về đất đai; tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn giảm, giãn, hoãn thuế, phí cho doanh nghiệp, bảo đảm nhanh, gọn, kịp thời, đúng chính sách. 

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, thực hiện miễn, giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, giãn kỳ hạn trả nợ và triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo quy định. Cùng với đó thực hiện tốt các giải pháp về lưu thông hàng hóa, bảo đảm cung cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường; triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ; khẩn trương tiêm vaccine cho các đối tượng theo Kế hoạch của UBND tỉnh.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, chủ động thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh để thích ứng với điều kiện dịch bệnh; nâng cao chất lượng quản trị, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thương mại điện tử, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tập trung khai thác thị trường nội địa, nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép