Ý tưởng về những thành phố văn hóa

NDO -

Những thành phố có phong cảnh đẹp, vị trí thuận lợi sẽ được lựa chọn để trở thành những địa chỉ văn hóa, điểm đến của không chỉ du khách mà cả những chuyên gia văn hóa, các nhà làm phim, phát hành phim, các diễn viên, nghệ sĩ… Đây là ý tưởng xuất phát từ mạng lưới các thành phố văn hóa mà UNESCO đã tạo lập và đang hoạt động rất thành công hiện nay.

Khán giả nhiều lứa tuổi ở Phú Yên đến xem các chương trình phim miễn phí trong khuôn khổ LHP 17.
Khán giả nhiều lứa tuổi ở Phú Yên đến xem các chương trình phim miễn phí trong khuôn khổ LHP 17.

Ý tưởng này do bà Phạm Thị Thanh Hường (Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) gợi ý tại Hội nghị - Hội thảo “Xây dựng và Quảng bá thương hiệu quốc gia - LHP Việt Nam” mới đây.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, UNESCO có mạng lưới các thành phố sáng tạo với bảy lĩnh vực gồm Thủ công - Nghệ thuật dân gian, Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn - Media Arts, Điện ảnh, Thiết kế sáng tạo, Ẩm thực, Văn học, Âm nhạc. Cho đến nay, đã có 18 thành phố của 16 quốc gia đệ đơn xin tham gia mạng lưới này, và sau quá trình xét duyệt, một số thành phố đã có mặt trong mạng lưới thành phố điện ảnh chính thức như Sydney (Australia), Yamagata (Nhật Bản), Mumbai(Ấn Độ), Eaton (New Zealand). 

Để được tham gia, chính quyền các thành phố đã phải cam kết có chính sách lâu dài gồm cả dành nguồn lực của thành phố để hỗ trợ cho điện ảnh. Khi đã có mặt trong mạng lưới, các thành phố này sẽ phải báo cáo bốn năm một lần, có nhiều chương trình và sáng kiến hay để học hỏi lẫn nhau. Các chương trình, dự án phải được xây dựng liên tục từ cả địa phương chứ không chỉ một chiều từ Trung ương. Chính vì thế, các thành phố liên tục có các chương trình hoạt động trong năm, công chúng thường xuyên truy cập để nắm được thông tin. Thí dụ như chỉ cần vào trang web của mạng lưới là công chúng có thể biết được trong năm nay, thành phố Busan (Hàn Quốc) sẽ có những chương trình gì từ nay đến cuối năm, cụ thể cho từng tháng. 

Bà Phạm Thị Thanh Hường cho biết, các thành phố trong mạng lưới đều phải thành lập Film Office (cơ quan quản lý điện ảnh của thành phố) để quảng bá điện ảnh, giúp công chúng tìm hiểu về các lĩnh vực của môn nghệ thuật này. Ngoài ra, còn tổ chức các cuộc thi, xây dựng các ứng dụng cho điện thoại thông minh để chạy các chương trình tìm hiểu về di sản hoặc di sản điện ảnh của thành phố hoặc quốc gia đó. Trong các lễ hội, còn có thể tổ chức các chương trình phim 48 giờ hay 72 giờ. Các thành phố trong mạng lưới cùng thực hiện các dự án gắn với cộng đồng, giới thiệu quảng bá các kiến thức về điện ảnh cho cộng đồng, các dự án đào tạo, tổ chức các triển lãm từ những dự án đào tạo đó, cùng các hoạt động gắn kết cộng đồng.

Tham chiếu với Việt Nam, bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, nếu Việt Nam định vị được 2-3 hoặc năm thành phố có đủ điều kiện lý tưởng để phát triển điện ảnh, thì có thể làm theo mô hình mạng lưới này, tạo ra mối quan hệ hợp tác với các thành phố để tạo ra một mạng lưới các thành phố điện ảnh của Việt Nam.

lhp-1597143561850.jpg
 Các nghệ sĩ Nhật Bản tại LHP quốc tế Hà Nội.

Ông Trần Nhất Hoàng, Cục phó Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chia sẻ ý tưởng định hình những thành phố điện ảnh để có thể tạo thành thương hiệu. Các thành phố gắn với sự kiện LHP quốc tế của riêng họ đều có những đặc trưng riêng. Điều này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện và đã rất thành công. Ở châu Á, Hàn Quốc có Busan, với chương trình LHP vô cùng phong phú, gồm cả phim Hàn Quốc hôm nay, xu hướng tương lai, xu hướng điện ảnh thế giới, chương trình chiếu phim ngoài trời, mời các ngôi sao hàng đầu của cả thế giới và Hàn Quốc. Hệ thống trao giải thưởng của LHP Busan cũng rất phong phú như mời các đại gia trao giải thưởng riêng dưới dạng tài trợ, giải thưởng dành cho các rạp  quảng bá điện ảnh Hàn Quốc ra thế giới thành công… Trung Quốc có hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải, trong đó Thượng Hải bật lên lấy vị thế rất nhanh.

Theo ông Trần Nhất Hoàng, nhiều thành phố lớn khác ở châu Âu cũng đã tìm kiếm con đường hình thành “thương hiệu” riêng và cho đến nay đã trở thành điểm đến cả về văn hóa, điện ảnh và du lịch, như Cannes, Berlin, Venice, Florence… Đằng sau việc trở thành một điểm đến văn hóa như vậy, có những mối lợi khổng lồ về nhiều mặt mà các thành phố văn hóa này đem lại cho đất nước và người dân, như mối lợi về kinh tế với hàng chục triệu euro tiền tài trợ, quảng cáo (chưa tính đến nguồn thu từ du lịch), được quảng bá qua hàng nghìn cơ quan thông tấn, báo chí từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thay đổi tư duy của người dân về nhiều vấn đề xã hội như bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn cho trẻ em… thông qua các sự kiện văn hóa, LHP…

Chưa kể, nếu xác định được mạng lưới các thành phố văn hóa ở Việt Nam, Cục Điện ảnh cũng sẽ giảm bớt gánh nặng trong việc tổ chức những sự kiện điện ảnh lớn như LHP Việt Nam. Bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, thay vì Cục phải tìm kiếm, lựa chọn địa điểm cho mỗi kỳ tổ chức LHP Việt Nam, các thành phố trong mạng lưới sẽ báo cáo cho Cục về chương trình hành động định kỳ hằng năm. “Và mạng lưới các thành phố điện ảnh, văn hóa có thể góp phần định vị và xây dựng thương hiệu cho LHP Việt Nam” – bà Phạm Thị Thanh Hường chia sẻ.