Với ý tưởng khởi nghiệp đầu tay mang tên Bộ trò chơi tài chính (Finance Challenge), các thành viên dự án gồm các sinh viên: Đỗ Thùy Dương, Bùi Thị Thùy Trang, Lê Quý Ly, Nguyễn Thị Hường, Trần Thị Diệu Linh đến từ Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường đại học Mở Hà Nội) đều là những người ưu tú, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, được khoa chọn lựa và gửi gắm niềm tin tham gia cuộc thi.
Là người trực tiếp hướng dẫn dự án, Thạc sĩ Nguyễn Thùy Linh, giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng (Trường đại học Mở Hà Nội) cho biết: Trẻ em khi có nền tảng kiến thức tài chính tốt, biết cách chi tiêu và quản lý đồng tiền từ những ngày thơ ấu sẽ là những hạt giống tiềm năng cho một xã hội phát triển trong tương lai.
Theo thành viên của dự án, Bộ trò chơi tài chính cho các bạn nhỏ từ 6 đến 12 tuổi nhằm mang đến một hình thức giao lưu, học tập và giải trí lành mạnh kết hợp việc bổ sung và nâng cao kiến thức tài chính cơ bản. Thông qua các hoạt động trong trò chơi liên quan đến thu nhập, tiêu dùng, đầu tư, trao tặng cũng như các kiến thức về tài chính quốc tế, các bạn nhỏ sẽ lần lượt được trải nghiệm và tìm hiểu về sự vận động cũng như giá trị của đồng tiền.
Từ đó, trang bị cho các em những kiến thức cần thiết và khả năng ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Sự độc đáo của ý tưởng được đánh giá cao khi kết hợp giữa bàn cờ giấy với yếu tố công nghệ (ứng dụng trên thiết bị di động). Sự sáng tạo này giúp trẻ không bị nhàm chán hay phụ thuộc vào các thiết bị di động, ngược lại được tiếp xúc lành mạnh với các thiết bị công nghệ, kích thích trí não và hình thành tư duy sáng tạo. Thông qua các hành động trong trò chơi, trẻ sẽ được tiếp cận những khái niệm tài chính căn bản gắn liền với thực tiễn đời sống.
Trẻ nhỏ có thể tham gia cùng gia đình, bạn bè, trải nghiệm những cuộc thi giữa các nhóm chơi, tạo điều kiện để các em tiếp xúc, giao lưu, thỏa mãn tính tò mò đồng thời rèn luyện các kỹ năng giới thiệu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng kết nối. Nhờ đó, sản phẩm này có thể giúp trẻ thay đổi hành vi sử dụng các thiết bị điện tử, tiếp nhận các kiến thức tài chính một cách đơn giản, dễ hiểu, đồng thời tăng gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Trưởng nhóm Đỗ Thùy Dương chia sẻ: Quá trình lên ý tưởng và thực hiện dự án nhóm đã gặp phải không ít khó khăn do khác nhau về ý tưởng triển khai. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ các thầy cô cũng như tự nhìn nhận lại bản thân, nhóm đã cùng ngồi lại để tìm ra tiếng nói chung và cố gắng hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra.
Đồng hành cùng các thành viên của nhóm trong gần một năm, Thạc sĩ Nguyễn Thùy Linh cho biết: Có những thời điểm suốt nhiều ngày liền các bạn chỉ được ngủ hai tiếng/ngày để toàn tâm, toàn lực dốc sức cho những bước hoàn thiện. Sự nỗ lực của các bạn đã làm nên thành công của bộ trò chơi.
Thành viên của dự án, sinh viên Bùi Thị Thùy Trang cho biết, quá trình làm việc nhóm, cùng nghiên cứu triển khai, giúp các em trưởng thành hơn rất nhiều sau cuộc thi, có cơ hội thực hành những kiến thức đã học, được trải nghiệm trong môi trường mới chuyên nghiệp. “Xã hội luôn chuyển động đặt ra bài toán về việc thích nghi.
Làm sao để sản phẩm có thể vừa phù hợp thực tế, lại vừa đáp ứng được vấn đề kinh tế là điều cả nhóm luôn trăn trở. Ý tưởng từ trang giấy đến thực tiễn là cả một quá trình và luôn cần được tính toán cẩn thận. Sản phẩm bộ trò chơi tài chính áp dụng thế mạnh vừa học, vừa chơi cho nên rất cần cập nhật liên tục xu hướng, cả về công nghệ lẫn thị hiếu khách hàng.
Từ đó bảo đảm cho các em luôn hứng thú, vừa chơi, vừa học hiệu quả mà không sa đà, phụ thuộc vào thiết bị công nghệ. Với việc lọt vào tốp 10 dự án xuất sắc nhất của cuộc thi, chúng em hy vọng có thể tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp Finance Challenge trong thời gian gần nhất”, Bùi Thị Thùy Trang chia sẻ.