Năm 2021, từ hơn 50 tác phẩm tham dự giải, các tác giả đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất, năm 2021 gồm: Thơ: Lý Hữu Lương (tập thơ Yao), Phương Đặng (tập thơ Con người); Văn xuôi: Đinh Phương (tiểu thuyết Nắng Thổ Tang); Lý luận phê bình: Vũ Thị Trang (tập sách lý luận phê bình Phê bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật); Văn học dịch: Nguyễn Bình (Bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm Truyện Kiều). Trị giá mỗi giải thưởng là 30 triệu đồng.
Ở lĩnh vực thơ, tác giả Lý Hữu Lương, một sĩ quan quân đội người dân tộc Dao đã cảm nhận về thân phận cá thể trong thân phận một vùng văn hóa, và thân phận của vùng văn hóa trong thân phận một cộng đồng qua tập thơ Yao. Tác giả Phương Đặng lại thể hiện trong tập thơ Con người một nhận thức khá tỉnh táo, rành mạch về đời sống đương đại với những mổ xẻ, phân tích của lý trí. Cả hai tác giả đều cho thấy ý thức, cách thức ứng xử nhạy bén, trưởng thành của người sáng tạo đối với cộng đồng và thế giới quanh mình. Tất cả vấn đề trên được thể hiện qua phong cách, bút pháp diễn đạt sáng tạo, cá tính. Lĩnh vực văn xuôi, tác giả Đinh Phương với tiểu thuyết Nắng Thổ Tang đã khẳng định nỗ lực trong việc tạo ra cấu trúc mới, đẩy tác phẩm đạt tới sự phức hợp cần thiết mà vẫn tránh được cầu kỳ rối rắm. Những thể nghiệm, khám phá bộc lộ một ý thức ráo riết làm mới, mang đến giá trị lôi cuốn cho văn chương. Thể loại nghiên cứu phê bình, tác phẩm Phê bình phân tâm học, phía của những ám ảnh nghệ thuật của Vũ Thị Trang là công trình khảo cứu, quy chiếu công phu, trách nhiệm và vững vàng về lý thuyết. Nổi bật với giải Văn học dịch, tác giả Nguyễn Bình mới 20 tuổi, đang du học ngành Thiên văn học tại Mỹ đã tạo được ấn tượng sâu sắc với Bản dịch tiếng Anh kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Theo đánh giá từ giới chuyên môn, một dịch giả trẻ khi chọn dịch kiệt tác này là hành động vượt qua cả tâm huyết, vượt qua cả đam mê để trở thành sự dấn thân theo đúng nghĩa của từ. Văn học Việt Nam cần những người trẻ với sự dấn thân như thế để bước ra thế giới.
Đánh giá về sự xuất hiện của một lực lượng người viết trẻ qua Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định, đây là lần đầu tiên Hội tổ chức được giải thưởng này với quan điểm, thái độ định hướng dựa trên nguyên tắc: Tôn trọng quyền sáng tạo, cởi mở trong thẩm định, ủng hộ những cá tính sáng tạo độc đáo, phát hiện những tác giả tiềm năng, đồng thời đòi hỏi tinh thần xây dựng nhân văn, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Thông qua những cuốn sách dự giải và đoạt giải, các tác giả trẻ đã mang đến những giọng điệu mới, những thi pháp mới và trí tuệ. Điều quan trọng nhất, họ đã đặt vấn đề của đất nước, con người, xã hội một cách sống động, cho thấy thái độ của người viết trẻ đối với di sản văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân, lao động nghề nghiệp. Giải thưởng mang lại cho đời sống văn học niềm hy vọng về một thế hệ mới đang được làm sáng tỏ hơn về mặt giá trị, được động viên nhiều hơn về tinh thần. Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng ở những mùa giải sau, số lượng tác giả trẻ dự giải sẽ đông hơn và các lĩnh vực vốn còn ít người dấn thân như: Văn học dịch, Lý luận-phê bình… sẽ có sự xuất hiện sôi nổi, ấn tượng của các cây bút trẻ từ khắp mọi miền trong cả nước và các du học sinh, tác giả đang tu nghiệp, sinh sống ở nước ngoài.
Trước vấn đề phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ người viết trẻ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, trong nhiệm kỳ này, ngoài giải thưởng Tác giả trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc bổ sung đội ngũ; phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương; định hướng, khuyến khích thái độ, trách nhiệm của người viết trẻ với những đề tài, cảm hứng mới mẻ, lớn lao. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm; tạo ra những diễn đàn như: tạp chí, chuyên đề, sách… với chủ thể chính là người viết trẻ ■