Chương trình 03 được xây dựng trong bối cảnh kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, kinh tế trong nước đang phát triển lạc quan và dự báo kinh tế thế giới phục hồi mạnh. Tuy nhiên, thực tế kinh tế và dịch bệnh, thiên tai diễn biến hết sức phức tạp, khiến cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình gặp không ít khó khăn.
Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc ban hành và triển khai Chương trình 03, đã cho phép huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và duy trì ổn định xã hội, góp phần tạo ra những chuyển biến về chất của nền kinh tế Thủ đô trong những năm qua và thực sự đem đến xung lực mới, giúp khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của Thủ đô trong phát triển kinh tế thời gian tới.
Trước hết, cơ hội và xung lực cho phát triển kinh tế Thủ đô đến từ việc triển khai các giải pháp và kết quả thực hiên các nhiệm vụ của Chương trình 03 giúp tạo đà và nền tảng tăng trưởng mới cho Thủ đô.
Vị thế và tầm vóc mới cho kinh tế Thủ đô đã được khẳng định và củng cố nhờ trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng bình quân hằng năm 7,39%/ và ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng vào năm 2020, nâng mức GRDP bình quân tính theo đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Hà Nội hiện chiếm tỷ trọng hơn 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách và 8,6% kim ngạch xuất khẩu… của cả nước.
Động lực tăng trưởng còn được bảo đảm vững chắc trong thời gian tới nhờ cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09% và khu vực dịch vụ ngày càng đa dạng và hiện đại, ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Hà Nội xếp trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có bước phát triển khá, như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông và công nghệ sinh học… Chỉ trong 5 năm, 2015 - 2020, Hà Nội có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập mới, gấp 1,6 lần giai đoạn 2011 - 2015.
Hiện, thành phố có cộng đồng hơn 300 nghìn doanh nghiệp, đứng thứ hai cả nước và khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng trở thành động lực chính cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế (tạo ra hơn 40% vào GRDP và giải quyết hơn 86% việc làm năm 2019).
Đặc biệt, cơ hội và động lực thể chế cho phát triển kinh tế Thủ đô được định hình và ngày càng đậm nét nhờ những nỗ lực nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý các cấp trên địa bàn giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và cam kết hội nhập.
Trên thực tế, Thành phố đã và đang tập trung cải cách thể chế, các hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử với mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”, tích hợp các dịch vụ tiện ích trong đăng ký kinh doanh, được triển khai từ năm 2017; hoàn thành cơ bản và công khai hệ thống các quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Hà Nội hiện xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông; 100% sở, ban, ngành, địa phương được kết nối mạng WAN (mạng diện rộng); tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt hơn 98%, khai hải quan điện tử đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%.
Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) của Hà Nội năm 2019 xếp thứ 2 cả nước (tăng 7 bậc so năm 2015). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội liên tục thăng hạng suốt 7 năm liền và hiện xếp vị trí thứ 9/63 địa phương…
Bằng việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình 03, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, khắc phục những bất cập; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, ứng dụng công nghệ; phát triển giáo dục, đào tạo...; hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, góp phần phát triển những yếu tố nền tảng cho nền kinh tế như quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin...; mở rộng hợp tác, phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan, ban, ngành, các doanh nghiệp của Hà Nội và các địa phương hợp tác, phát triển kinh tế.
Hà Nội hiện đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với gần 100 thủ đô, thành phố của 50 nước và vùng lãnh thổ, trong đó thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với 35 thủ đô, thành phố, duy trì mối quan hệ thân thiết với thủ đô hai nước bạn Lào, Campuchia.
Hà Nội là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng như Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới, Mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21), Mạng lưới chính quyền địa phương Citynet…
Có thể thấy, sự cộng hưởng những kết quả tích cực từ triển khai các Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại” và Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020” của Thành ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020… đã tạo nhiều xung lực và cơ hội mới cho kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, bảo đảm cho việc hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao là Hà Nội phải tăng trưởng nhanh hơn từ 1,3-1,5 lần so trung bình cả nước, tạo lực đẩy, thu hút và lan tỏa tích cực cho toàn vùng và cho cả nước trong thời gian tới…
Trên cơ sở có được từ những cơ hội và xung lực tích cực đó cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI; thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều ở các khu vực.