Trước đó, Israel không kích hai thành phố ở miền nam Liban, tiêu diệt một thành viên cấp cao của Hezbollah. Ðây được cho là đợt xung đột gây nhiều thương vong nhất của phía Liban kể từ khi Hezbollah và Israel giao tranh qua biên giới, trong bối cảnh căng thẳng giữa Hamas và Israel bùng phát.
Các cuộc tấn công qua lại làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Israel và Hezbollah. Thủ tướng Liban Najib Mikati phản đối các cuộc không kích của Israel gây thương vong cho người dân nước này, đồng thời cho biết Beirut sẽ trình kiến nghị lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các cuộc không kích này.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Liban hối thúc các bên chấm dứt những hành động leo thang xung đột một cách nguy hiểm, tăng cường nỗ lực ngoại giao để lập lại trật tự tại khu vực và bảo vệ dân thường. Ðến nay, giao tranh qua biên giới hai bên khiến hơn 200 người ở Liban thiệt mạng, trong đó có khoảng 40 dân thường. Israel cũng ghi nhận 10 binh sĩ và 6 dân thường thiệt mạng. Tình trạng bạo lực tại khu vực biên giới giữa Israel và Liban buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán.
Trong khi đó, tại Biển Ðỏ, lực lượng Houthi tại Yemen tuyên bố đã phóng tên lửa vào một tàu của Anh ở Vịnh Aden. Thuyền trưởng của tàu thông báo tất cả thủy thủ đoàn đều an toàn. Tuy nhiên, người phát ngôn của Houthi tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp tục tấn công các tàu liên quan đến Israel hoặc di chuyển đến các cảng của Israel ở Biển Ðỏ và Vịnh Aden cho đến khi Israel dừng chiến dịch quân sự tại Gaza và dỡ bỏ bao vây, phong tỏa vùng lãnh thổ này.
Liên quan tình hình tại Dải Gaza, Tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa nhấn mạnh Israel không nên tiến hành các hoạt động quân sự ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza khi không có kế hoạch khả thi và đáng tin cậy để bảo vệ dân thường Palestine. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Biden cũng đề cập nỗ lực của Washington nhằm giúp các con tin sớm được trả tự do.
Bộ Ngoại giao Palestine cho rằng, việc Palestine có được tư cách thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc là con đường đúng đắn để đạt được giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine-Israel. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Palestine nêu rõ, mọi sáng kiến chính trị nhằm ngăn chặn chiến tranh và giải quyết xung đột sẽ thất bại nếu không dựa trên tư cách thành viên đầy đủ của Nhà nước Palestine tại Liên hợp quốc và sự công nhận của các nước phương Tây.
Tuy nhiên, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu rõ, Israel sẽ tiếp tục phản đối việc đơn phương công nhận một Nhà nước Palestine. Ông Netanyahu cho rằng một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể xuất phát từ các cuộc đàm phán trực tiếp không kèm theo điều kiện tiên quyết. Vòng đàm phán hòa bình gần nhất giữa Israel và Palestine đã thất bại năm 2014, chủ yếu do bất đồng giữa hai bên về vấn đề định cư.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Brazil Lula da Silva kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, tăng cường đưa hàng viện trợ nhân đạo tới người dân Gaza và thả những người bị bắt giữ ở cả hai bên trong cuộc xung đột. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp chính trị để thành lập một Nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới xác định ngày 4/6/1967 với Ðông Jerusalem là thủ đô.