Ngày 6-11, gần 100 gian hàng của 26 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trưng bày, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm nông sản tại Hội chợ "Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2020” tại trung tâm thương mại Aeon Long Biên (Hà Nội). Trưởng phòng Nông nghiệp Trung tâm HPA Nguyễn Bá Bằng cho biết, tất cả sản phẩm tham gia trưng bày tại hội chợ đều là sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản ứng dụng công nghệ cao, nông sản an toàn, đặc sản vùng miền của Hà Nội và các tỉnh, thành phố, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Không chỉ muốn quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng Thủ đô, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn mong muốn qua hội chợ sẽ tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối hiện đại của Tập đoàn Aeon Việt Nam, xa hơn là Aeon toàn cầu. Ban tổ chức Hội chợ đã lựa chọn 20 doanh nghiệp có năng lực nhất để kết nối trực tiếp với Tập đoàn Aeon.
Đây là năm thứ hai thành phố Hà Nội tổ chức hội chợ này. Năm 2019, Hội chợ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Trong bốn ngày tổ chức, hội chợ đã đạt doanh thu hơn sáu tỷ đồng. Tập đoàn Aeon và các đơn vị thu mua đã đánh giá cao các sản phẩm cà-phê của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (L’mant), hoa quả sấy khô của Công ty cổ phần Nông trường Hạnh Phúc (CheerFarm), hạt điều của Công ty cổ phần Visimex, nước ép trái cây tươi của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao… Nhiều doanh nghiệp đã tìm được đại lý phân phối, đối tác liên kết ngay tại hội chợ. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ chia sẻ, thông qua xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, sự kiện kết nối giao thương..., lượng hàng hóa tiêu thụ của công ty đã tăng lên đáng kể, nhất là trên kênh thương mại điện tử.
Cùng với các chương trình hội chợ, kết nối giao thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm HPA phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã triển khai Dự án tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền bắc. Các hộ nông dân tham gia dự án không chỉ nhận được hỗ trợ về mặt công nghệ, mà còn được tư vấn để thay đổi tư duy canh tác. Sau ba năm triển khai đã có khoảng 800 hộ nông dân tham gia, học cách làm nông sản an toàn như cách kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm tra nhanh hoặc đem mẫu đi kiểm tra tại phòng thí nghiệm. Cùng với đó là các biện pháp canh tác mới, sử dụng màng phủ giảm bớt sâu bệnh, tác động xấu của thời tiết, cải tạo đất, lựa chọn các giống cây trồng mới có năng suất cao hơn, chịu được sâu bệnh; cách bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và đóng gói nông sản...
Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ khi triển khai vào giữa năm 2016 đến nay, diện tích sản xuất an toàn do Dự án hỗ trợ đã tăng từ 50,86 ha trong vụ đông năm 2017 - 2018 lên hơn 180 ha trong vụ đông năm 2020 - 2021. Dự án cũng hỗ trợ các nhóm mục tiêu lưu trữ ghi chép nhật ký sử dụng hóa chất nông nghiệp phù hợp. Hỗ trợ các nhóm mục tiêu bán hàng tập trung dựa trên quan điểm “không phải sản xuất và bán, mà là sản xuất để bán”. Theo các chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản, việc áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới, cũng như tư duy lâu dài trong sản xuất là giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ đối với người trồng nông sản cũng rất quan trọng. Chính sách tốt, hợp lý vừa giúp nông dân khai thác, phát huy được thế mạnh, vừa khiến họ yên tâm trong sản xuất, từ đó có các sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, năng suất để có thể đưa vào các hệ thống phân phối rộng lớn.
Để góp phần quảng bá, tăng cường kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn, HPA cũng phối hợp các đơn vị xây dựng và duy trì trang web https://nongsanantoanhanoi.gov.vn. Đây là địa chỉ giới thiệu các địa chỉ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Nhờ các tính năng hiện đại của hình thức thương mại điện tử, trang web đã thu hút 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã của Hà Nội và 18 tỉnh, thành phố phía bắc cung cấp thông tin, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: “Với các giải pháp đồng bộ từ sản xuất tới tiêu dùng, chúng tôi mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản từng bước thay đổi phương thức sản xuất, trồng trọt, hướng tới an toàn, chất lượng, quy mô và bài bản hơn. Đồng thời, tạo các cơ hội tiếp cận và nâng cao kỹ năng trong công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán lẻ hiện đại. Từ đó định hướng chiến lược phát triển trong tương lai. Bộ Công thương, UBND thành phố Hà Nội đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Aeon, hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của Aeon đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trong định hướng tiếp cận hệ thống phân phối nước ngoài và xuất khẩu.