Xuất khẩu rượu champagne đạt kỷ lục bất chấp đại dịch Covid-19

NDO -

Hiệp hội các nhà sản xuất rượu champagne (UMC) tại Pháp ngày 14/2 cho biết, doanh số bán rượu champagne đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm 2021, vượt mốc kỷ lục trước đó vào năm 2019 ở thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Các chai rượu champagne được trưng bày trên quầy rượu tại Hội chợ rượu Wine Paris & Vinexpo tại Trung tâm hội nghị Paris Expo Porte de Versailles, Paris, Pháp, ngày 14/2/2022. (Ảnh: REUTERS)
Các chai rượu champagne được trưng bày trên quầy rượu tại Hội chợ rượu Wine Paris & Vinexpo tại Trung tâm hội nghị Paris Expo Porte de Versailles, Paris, Pháp, ngày 14/2/2022. (Ảnh: REUTERS)

Theo UMC, doanh thu năm 2021 của ngành đạt 5,7 tỷ USD, cao hơn 14% so với mức cao kỷ lục trước đại dịch. Việc các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch đã thúc đẩy xuất khẩu rượu champagne tăng vọt, đặc biệt là sang Mỹ.

Theo đó, xuất khẩu đạt 180 triệu chai 0,75 lít, tăng 37% so với năm 2020 và cao hơn 15% so với năm 2019, trong khi doanh số bán hàng ở Pháp tăng 25% so với năm 2020, bằng với mức của năm 2019 là 140 triệu chai.

Doanh số bán hàng sang Mỹ, thị trường xuất khẩu hàng đầu của rượu champagne, tăng 31% so với năm 2019, đạt kỷ lục 34 triệu chai.

Số liệu của UMC cho thấy, thị trường Mỹ đã duy trì đà tăng trưởng trong suốt 10 năm qua, ngoại trừ đợt sụt giảm nghiêm trọng vào năm 2020 do các biện pháp phong tỏa phòng dịch.

Xuất khẩu sang Anh tăng 7% so với năm 2019 lên 29 triệu chai, trong khi doanh số bán hàng sang Đức tăng 28% lên 15 triệu chai. Tiếp theo là Australia với 12 triệu chai, sau khi xuất khẩu sang quốc gia châu Đại Dương này tăng mạnh tới 53% so với năm 2019.

Chủ tịch UMC, ông Jean-Marie Barillere cho biết, thực tế khách hàng mua champagne về uống ở nhà nhiều hơn vì chi phí rẻ hơn so với ở nhà hàng. Ngoài ra, việc đưa champagne lên các sàn thương mại điện tử trên mạng cũng giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.

Nhu cầu tăng cao kỷ lục cũng giúp làm dịu đi khó khăn của các nhà sản xuất rượu champagne, khi vừa chứng kiến đợt sụt giảm sản lượng tồi tệ nhất trong 4 thập niên qua vào năm 2021, do các nhà vườn trồng nho bị thiệt hại nặng nề bởi sương giá và nấm mốc.

Tuy vậy, nguồn cung nguyên liệu đầu vào giảm không ảnh hưởng đến sản lượng của champagne, bởi các nhà sản xuất vẫn có thể tận dụng hàng trong kho dự trữ. Rượu champagne thường được làm theo phương thức pha trộn các loại rượu khác nhau được sản xuất từ các năm trước.