Để đạt được con số nêu trên, các doanh nghiệp dệt may cần giải được bài toán về đơn hàng số lượng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, đơn giá thấp,… Bên cạnh việc nâng cao trình độ tay nghề, gia tăng năng suất, các đơn vị cần có các chính sách thu hút, giữ chân người lao động để bảo đảm nguồn lực phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Duy trì tăng trưởng
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, do áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, đơn vị đã vượt khó, duy trì mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Năm 2024, tổng doanh thu của May 10 đạt gần 4.700 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận đạt 131,5 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2023; thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.055 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 10,5 triệu đồng/người/tháng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, công ty sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như tìm kiếm, mở rộng thị trường, khách hàng, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường xuất khẩu,…
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Đây là con số ấn tượng, bởi năm qua ngành dệt may đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của thị trường. Tiếp nối thành quả đã đạt được, ngành dệt may mạnh dạn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD năm 2025.
Cũng theo ông Việt, những năm qua, May 10 luôn tiên phong trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đơn vị đã ứng dụng phần mềm trong quản lý và trang bị nhiều thiết bị hiện đại của các nước trên thế giới để tăng tính tự động hóa cao, nâng cao năng suất lao động. Đối với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp triển khai xoay quanh ba trụ cột chính, đó là nhà xưởng, cơ sở vật chất, môi trường xanh (ứng dụng theo tiêu chuẩn LEED và thực hiện kiểm toán năng lượng); sử dụng năng lượng xanh và nguyên liệu xanh. Trong đó, riêng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dự kiến trong năm 2025 sẽ giúp đơn vị giảm được khoảng 15-20.000 tấn các-bon thải ra môi trường. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ sợi tái chế, sợi hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh thuận lợi, doanh nghiệp cũng đối diện những khó khăn như đơn giá thấp, thời gian ngắn, giao hàng nhanh, trong khi khách hàng đòi hỏi về chất lượng, kết cấu sản phẩm phức tạp hơn,…
Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần Phong Phú Trương Thị Ngọc Phương cho rằng, mặc dù thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ngành sợi, nhưng sự nỗ lực của tập thể người lao động đã giúp đơn vị về đích với tổng doanh thu 2.550 tỷ đồng, tăng 20,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 352 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm 2023. Năm 2025, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận 355 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch, doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư cho tự động hóa, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, tiết giảm chi phí,… nhằm thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng xuất khẩu hàng hóa.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, Hoàng Thùy Oanh cho biết, tổng doanh thu của doanh nghiệp năm 2024 đạt 4.950 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023; lợi nhuận đạt 336 tỷ đồng, tăng 53% so với kế hoạch năm, là một trong những đơn vị có tỷ suất lợi nhuận/vốn cao nhất Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư thiết bị hiện đại, đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển thị trường.
Theo Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu, năm 2024, Tập đoàn đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh cải thiện từ quý III/2024, không có đơn vị nào bị lỗ trong năm. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với năm 2023, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với khó khăn kéo dài, dẫn đến sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả. Tổng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn năm 2024 đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8%; lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5%; thu nhập bình quân đạt 10,1 triệu đồng/người/tháng, bằng 106,9% so với năm 2023. Những tín hiệu khả quan của thị trường, nhất là sự dịch chuyển đơn hàng từ các nước sang Việt Nam, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Trên cơ sở đó, Vinatex đặt mục tiêu phấn đấu tăng 6% về doanh thu và 10% về lợi nhuận so với năm 2024.
Chủ động các giải pháp đồng bộ
Ông Hiếu nhận định, để tận dụng cơ hội và thúc đẩy tăng trưởng, thời gian tới, ngành sợi cần tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và hợp tác chung trong ban sản xuất sợi, nhất là công tác thị trường và mua nguyên liệu. Đồng thời, nghiên cứu thị trường chuyên sâu (Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh) và thị trường nguyên liệu nhằm dự báo cũng như tìm kiếm và tổ chức tiếp cận ở cấp tập đoàn đối với các chuỗi cung ứng lớn; đưa hệ thống sợi Vinatex tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu,… Ngành may phải nhanh nhạy đón bắt nhu cầu của thị trường, tập trung gắn kết với các doanh nghiệp trong hệ thống để tăng năng lực cạnh tranh, gắn kết giữa ngành may và các đơn vị dệt nhuộm trên cơ sở ngành may là động lực, là định hướng sản xuất và đầu tư cho cả sợi, dệt, qua đó, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững và sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp thời gian qua đó là tình trạng thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không sớm giải quyết được nút thắt này mục tiêu xuất khẩu đạt 48 tỷ USD của ngành dệt may chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương cho rằng, năng suất bình quân của đơn vị tăng 12%, thu nhập của người lao động tăng so với năm 2023 nhưng lao động lại giảm 8%. Mặc dù vẫn giữ được doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng khá, nhưng việc giữ chân người lao động đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực bảo đảm thu nhập người lao động tăng trung bình khoảng 8%/năm mới có thể yên tâm sản xuất.
“Trước sức cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng gay gắt, ngành may sẽ không còn nhiều sức hút, đồng thời một số nước trong khu vực đang thiếu hụt lao động, cho nên áp lực với doanh nghiệp ngành may càng lớn. Về lâu dài, doanh nghiệp và địa phương cần nỗ lực tạo chỗ ở ổn định, an cư lạc nghiệp nhằm thu hút lao động ở nơi khác đến làm việc. Tiếp đến mới là nguồn vốn, đổi mới công nghệ, tăng năng suất và thu nhập để giữ chân người lao động”, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp thời gian qua đó là tình trạng thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không sớm giải quyết được nút thắt này mục tiêu xuất khẩu đạt 48 tỷ USD của ngành dệt may chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Chung quan điểm, ông Thân Đức Việt kiến nghị, Nhà nước cần có quy hoạch nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia, trong đó nên quy hoạch nguồn lực lao động cho các ngành nghề rõ ràng. Nếu không sớm quy hoạch, việc thiếu hụt lao động sẽ tiếp tục tái diễn, thậm chí tới lúc không có lao động sản xuất, bắt buộc phải nhập khẩu lao động.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may hiện đang có nhiều lợi thế khi 17 trong tổng số 19 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực. Không chỉ vậy, ngành dệt may Việt Nam cũng tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, ngành cũng tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số, thích ứng tốt trước đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường xuất khẩu. Do đó, mục tiêu xuất khẩu 47-48 tỷ USD hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành, nhất là trước bối cảnh dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam, lượng đơn hàng của doanh nghiệp đang dồi dào và ngày càng gia tăng.