Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt.
Về đích như dự kiến
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của dệt may đều có tín hiệu phục hồi tích cực nhờ sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Ngoài ra, tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
Quý III, Tập đoàn hoàn thành 73,6% kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch năm, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Khả năng về đích đúng kế hoạch của Tập đoàn năm 2024 được nhận định khả thi. Các đơn hàng may mặc trong quý IV vẫn đang tiếp tục dồi dào. Đặc biệt, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thật sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, từ đó đơn giá sẽ cải thiện.
VITAS dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11% so với năm 2023. Trong đó, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo, Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%...
Nhìn nhận kết quả này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, ngoài lợi thế về ổn định chính trị và đã ký 17/19 hiệp định thương mại tự do (FTA), ngành dệt may cũng đã tận dụng tốt sự chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia như Trung Quốc, Bangladesh. Cùng với đó, ngành cũng đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đã thích ứng khá tốt trong việc đáp ứng những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. Cụ thể, 10 tháng năm 2024, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của ngành dệt may có 10 doanh nghiệp Việt Nam và 20 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đều đã thích ứng khá tốt với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Không còn cơ hội để lựa chọn đơn hàng
Đánh giá về triển vọng năm 2025, dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết, tăng trưởng GDP năm 2024 và 2025 cho các thị trường hàng dệt may chính như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng dẫn đến sự phục hồi thu nhập và nhu cầu tại các thị trường này. Đặc biệt, trong 10 tháng, một số ngân hàng trung ương phương Tây đã bắt đầu hạ lãi suất điều hành. Ngoài ra, trong bối cảnh lạm phát gần đây hạ nhiệt và các tín hiệu kinh tế suy yếu, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đã tăng lên ít nhất 1 điểm phần trăm vào năm 2024. Lãi suất điều hành thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng dài hạn.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách thuế quan cứng rắn đối với các sản phẩm dệt may của Trung Quốc, điều này hỗ trợ các nhà cung cấp khác như Việt Nam tại thị trường này. Cùng với tình hình bất ổn gần đây ở Bangladesh, một đối thủ cạnh tranh tiềm năng, các công ty may mặc Việt Nam nhiều khả năng sẽ trở thành bên hưởng lợi.
Tuy vậy, Mirae Asset cũng chỉ ra một số rủi ro, địa chính trị là rủi ro ngắn hạn chính đối với nhu cầu dệt may. Trên thực tế, gần đây một số thương hiệu đã thể hiện quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho. Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể làm giảm tiêu thụ các sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi tại Trung Quốc thấp hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Rủi ro dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng. Trong khi hiện nay, người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dù đơn hàng may mặc trong quý IV vẫn tiếp tục dồi dào, nhưng đơn giá vẫn chưa có sự cải thiện, thậm chí có những mặt hàng giá còn thấp hơn cả năm 2023. Số liệu thống kê cho thấy, đơn giá xuất khẩu xơ, sợi trung bình của Việt Nam qua các tháng trong năm 2024 vẫn giảm so với mức nền thấp của năm 2023. Điển hình như hồi tháng 2, đơn giá trung bình khoảng 2.433 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã và đang nỗ lực tăng cường áp dụng các giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị nâng cao hiệu quả quản trị, năng suất lao động, từ đó tạo tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Còn theo đại diện VITAS, các doanh nghiệp hiện ít có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn, chủ yếu phải nhận những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe. Do đó, để đạt được mục tiêu trong năm 2025, Hiệp hội tiếp tục thực hiện tốt vai trò, chức năng để ngành dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may và kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, xây dựng thương hiệu, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững…
Đặc biệt, thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Cụ thể, từ năm 2031 - 2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.