Kiểm soát quy hoạch vùng nuôi chặt chẽ
Theo Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, trong năm 2018 mặc dù gặp không ít khó khăn trong các tháng đầu năm, nhưng với sự nỗ lực của ngành chức năng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp… đã đưa ngành hàng cá tra tăng trưởng vượt bậc. Toàn vùng thả nuôi khoảng 5.400 ha cá tra thương phẩm tăng 3,25% so cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi cá tra đạt chứng nhận GAP khoảng 3.834 ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,42 triệu tấn, tăng 13,6%.
Năm 2018, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân của năm 2017 là 4.000 đồng/kg; riêng thời điểm tháng 10-2018 giá cá tra nguyên liệu tăng kỷ lục với 35.000-36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao đã đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2018 đạt 2,26 tỷ đồng, tăng 26,5%, một con số rất ấn tượng.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, giá thành nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay dao động khoảng 22.000-23.000 đồng/kg. Trong khi giá bán từ 29.000-30.000 đồng/kg, lợi nhuận khá tốt, bảo đảm cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu cùng có lời. “Tuy nhiên, để cá tra phát triển bền vững cần nhanh chóng đầu tư con giống đang thiếu hụt hiện nay. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát những nơi không có quy hoạch phát triển cá tra trước đây, nhưng nay đầu tư nuôi cá tràn lan sẽ dễ dẫn tới nguy cơ thừa nguyên liệu, rớt giá… như bài học của các năm trước. Về thị trường cần đa dạng hóa, tiếp tục mở rộng…”, ông Thư nói.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt Doãn Tới nhìn nhận: “Sau thời gian khủng hoảng, cá tra đã phát triển trở lại một cách mạnh mẽ. Có thời điểm giá xuất khẩu cá tra phi-lê sang Hoa Kỳ lên tới 6-7 USD/kg. Có nằm mơ cũng không ai thể ngờ tới mức giá này mà lại rất dễ bán. Với chiều hướng này, nhiều khả năng trong năm 2019 cá tra tiếp tục duy trì mức giá cao, có lợi cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu. Song, để phát triển bền vững thì không nên mở rộng diện tích, sản lượng quá nhiều, tránh xảy ra “cung vượt cầu”. Vấn đề lúc này là tập trung đầu tư nâng cao chất lượng; tiếp tục mở rộng thị trường, chú ý khôi phục thị trường EU hơn nữa và phát triển thị trường Ấn Độ…”.
Chinh phục thị trường khó tính
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành hàng cá tra đang phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh, trong khi việc kinh doanh từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm đều hiệu quả. Thời gian qua, việc quản lý cá tra khá đồng bộ trên các mặt. Đặc biệt, từ người nuôi đến doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu… ai tham gia vào ngành hàng cá tra “đều cùng cười”. Có thể nói, ngành cá tra đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trên nhiều mặt, tính liên kết tăng cao; sản phẩm ngày càng được đa dạng với hơn 80 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm giá trị cao.
Tăng cường kiểm soát quy hoạch vùng nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Hiện tại, các doanh nghiệp đã vượt qua được những tiêu chuẩn mà những thị trường khó tính đặt ra. Nhiều doanh nghiệp nhận định rất rõ thời cơ và thách thức để ứng phó phù hợp; tích cực đầu tư lâu dài vào cá tra từ con giống tốt, vùng nuôi tiêu chuẩn… Thành công hôm nay của ngành cá tra là cả một quá trình kiên trì phát triển hơn 20 năm qua của ngành này, với nhiều bài học, những kinh nghiệm rút ra từ một số thất bại… “Kết quả rất mỹ mãn nhưng chúng ta không ngủ quên trong chiến thắng. Bởi sau ba năm tăng trưởng của cá tra thì nguy cơ bùng nổ diện tích, dịch bệnh là rất lớn, cần đề phòng ngay từ bây giờ. Giải pháp lúc này là không nuôi tự phát tràn lan, cần đẩy mạnh liên kết để siết chặt kiểm soát, quản lý… Tập trung ứng dụng những công nghệ mới nhất vào ngành hàng cá tra trên các mặt, trong đó giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra, cần đầu tư mạnh hơn và chủ động con giống; Tiến tới xây dựng ngành hàng cá tra theo hướng tập trung, chất lượng, hiệu quả, bền vững…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ Trưởng NN-PTNT cũng nhận định, chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ có tín hiệu tốt và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ nhằm tận dụng những cơ hội tốt, đặc biệt từ sự xung đột thương mại Mỹ - Trung. Trong năm 2018, Tổng cục Thủy sản phối hợp Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (NAFI) đón tiếp các đoàn thanh tra của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU về an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc quản lý và thực thi văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. “Các thị trường khó tính đều có tín hiệu tốt. Thị trường Hoa Kỳ đang được Bộ Nông nghiệp (FSIS) đề xuất với Văn phòng đăng ký liên bang đăng bản dự thảo lấy ý kiến đề xuất công nhận tương đương đối với ba quốc gia, trong đó có Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra và cá Siluriform vào thị trường này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin và đưa ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 đạt sản lượng 1,51 triệu tấn (tăng 6,6%), kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD (tăng 12%).
Để đạt mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT đề nghị, các địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển cá tra đi vào chiều sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo…