Xuất hành đầu năm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

NDO - NDĐT- Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết, chuyến xuất hành đầu tiên của năm mới 2013, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đến thăm Indonesia, Thái-lan và Việt Nam. Việc thay đổi lịch trình công du đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khiến dư luận một lần nữa quan tâm đến chính sách đối ngoại của ông đối với khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Rte)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Rte)

Tìm kiếm đồng minh mới

Trong những ngày đầu năm 2013, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành hàng loạt chuyến thăm nhằm cải thiện các mối quan hệ ngoại giao cũng như tăng cường hợp tác nhiều mặt với các nước láng giềng.

Cuối tuần qua, ông Shinzo Abe đã cử đặc phái viên của mình đến Hàn Quốc nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước sau căng thẳng vì tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima. Chuyến thăm lần này được cho là mở ra một thời kỳ mới cho quan hệ hai nước trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á có nhiều phức tạp và mối quan hệ hợp tác Nhật - Hàn sẽ góp phần củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực này.

Giới phân tích nhận định, ông Shinzo Abe đang theo đuổi mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước trong khối ASEAN, cũng như Mỹ, nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các nước lớn trong khu vực.

Nhật Bản đang muốn tìm kiếm đồng minh trước nguy cơ cạnh tranh tài nguyên biển ngày càng gia tăng tại khu vực Đông Á. Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản đang không ngừng phát triển, với tổng giá trị 206,6 tỷ USD trong năm 2011, tăng 32,3% so với năm 2010.

Từ vị trí thứ ba trong số các nước nhập khẩu vào ASEAN, năm 2011, Nhật Bản hiện đã vươn lên vị trí thứ nhất, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN (sau Trung Quốc). FDI của Nhật Bản vào ASEAN năm 2011 đạt tổng trị giá 15,3 tỷ USD, tăng 39% so với năm 2010 và trở thành nguồn đầu tư lớn thứ hai vào ASEAN.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nổi tiếng là người quan tâm đến các nước đang phát triển tại Châu Á để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chuyến xuất ngoại đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản lần này, ông Abe chọn Đông Nam Á là điểm đến trước tiên còn là bởi mục tiêu về chính trị.

Ngay sau khi lên cầm quyền, tân Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Myanmar – một nước mới “mở cửa” tại Đông Nam Á để khai triển chính sách ngoại giao của mình. Và đích thân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã đến thăm Myanmar để củng cố quan hệ với quốc gia này. Tại đây, ông Taro Aso đã bày tỏ sự ủng hộ với chính quyền Myanmar và cam kết hỗ trợ nước này phát triển trong thời gian tới.

Mở rộng thị trường - cân bằng rủi ro

Để chuẩn bị cho chuyến đi của Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida bắt đầu chuyến công du 3 nước Đông Nam Á là Philippines, Singapore, Brunei và Australia từ ngày 9 đến 14-1. Chuyến thăm này là cơ hội tăng cường sự liên lạc chặt chẽ với 4 nước ở cấp ngoại trưởng nhằm tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Với chuyến công du đầu tiên này, tân Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe có thể tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN tại Jakarta (Indonesia) vào ngày 18-1-2013.

Không lâu sau khi nhậm chức (28-12-2012), ông Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo của các nước Anh, Australia, Ấn Độ và Liên bang Nga.

Các chuyên gia nhận định, Đông Nam Á đang là một trong những dấu mốc quan trọng mà Nhật Bản hướng đến. Trong lĩnh vực kinh tế, khu vực Đông Nam Á chứng kiến một xu hướng đầu tư đang tăng trưởng mạnhmẽ từ Nhật Bản.

Theo hãng Reuters, các công ty Nhật đang dần coi Đông Nam Á là địa bàn sản xuất luân phiên để cân bằng các rủi ro với thị trường Trung Quốc. Chính phủ và các công ty của Nhật cũng đang nhanh chóng đầu tư hàng tỷ USD vào Myanmar đang trong giai đoạn đổi mới.

Không chỉ là vấn đề chi phí nhân công rẻ, khu vực Đông Nam Á với 600 triệu dân còn là nơi mà nhu cầu về xe hơi, đồ điện tử và dịch vụ của Nhật đang tăng lên trong bối cảnh tầng lớp trung lưu mở rộng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ tại khu vực.

Theo thống kê đến tháng 8-2012, đầu tư của Nhật vào ASEAN đã đạt 418 tỷ yên (5,2 tỷ USD). Tính đến quý II/2012, FDI của Nhật vào ASEAN tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này cho thấy một xu hướng đầu tư mạnh của Nhật Bản vào khu vực này. Các nhà phân tích nhận định, Nhật Bản cũng đang coi Thái-lan, Campuchia và Việt Nam là hành lang sản xuất lớn nhất của Nhật Bản tại khu vực.

Như vậy, trên cơ Liên minh Nhật – Mỹ ngày càng được củng cố, các quan hệ liên minh “phái sinh” mới giữa Nhật Bản với các đối tác tiềm năng: Hàn Quốc, ASEAN, Australia... đang hình thành, ngày càng phản ánh rõ nét chính sách đối ngoại của Nhật Bản dưới thời của tân Thủ tướng Shinzo Abe là phục vụ cho mục tiêu “nước lớn chính trị” và khẳng định vị thế cường quốc toàn diện của Nhật Bản tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.