Xuân về trên miền nông thôn mới vùng biên

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh Quảng Nam ưu tiên nguồn lực, đưa ra nhiều giải pháp và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Tết đang đến, vùng nông thôn mới nơi đây đang thay đổi từng ngày, người dân náo nức đón Xuân về...
0:00 / 0:00
0:00
Sắp xếp dân cư ổn định giúp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam hoàn thiện nhiều tiêu chí nông thôn mới.
Sắp xếp dân cư ổn định giúp huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam hoàn thiện nhiều tiêu chí nông thôn mới.

Hai huyện biên giới Tây Giang và Nam Giang của tỉnh Quảng Nam có 21 xã, với 90% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, có 14 xã biên giới và giáp biên giới với nước bạn Lào. Từ những vùng núi xa xôi, cách trở, vùng biên giới tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao chất lượng sống của người dân

Cách trung tâm huyện Nam Giang 75 km, xã biên giới La Dêê giáp biên với huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào). Toàn xã có 468 hộ, với hơn 1.700 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng. Xác định rõ cơ hội lẫn khó khăn đặc thù ở vùng biên giới, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương xã La Dêê đưa ra nhiều giải pháp phù hợp trong xây dựng nông thôn mới. Để tạo nguồn thu nhập ổn định, xã La Dêê vận động người dân liên kết sản xuất và hình thành Hợp tác xã Nông nghiệp La Dêê. Sau gần ba năm hoạt động, hợp tác xã có gần 20 xã viên, với nông sản chủ lực là măng nứa khô đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hợp tác xã đã liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản miền núi của 200 hộ đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng vùng biên giới.

Bà Brao Thướp ở thôn Đăk Ốc, xã La Dêê, cho biết: “Trước đây chúng tôi trồng nông sản nhưng không biết bán ở đâu, ăn thì không xuể. Nhưng nay có hợp tác xã mua bán giúp cho nên chúng tôi yên tâm hơn. Gia đình tôi trồng măng, chuối bán cho hợp tác xã, thu nhập khá hơn trước”.

Mô hình trồng măng, chuối, chăn nuôi tập trung và xây dựng hạ tầng nông thôn là những ưu tiên của xã La Dêê trong nhiều năm qua. Từ quyết tâm và nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, cuối năm 2024, xã La Dêê hoàn thành các tiêu chí và về đích nông thôn mới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã La Dêê Brao Ngưu cho biết: “Chúng tôi vận động người dân đồng hành trong xây dựng nông thôn mới và xã nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị, lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn. Các mô hình, dự án thực hiện phù hợp với thực tiễn cho nên đạt hiệu quả”.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nam Giang đưa ra nghị quyết, chính sách cùng mục tiêu đến năm 2025 có ba xã Tà Bhing, La Dêê và Đắc Tôi đạt chuẩn nông thôn mới và các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Huyện Nam Giang đã lồng ghép nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, các đơn vị, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn góp sức giúp người dân vùng biên giới huyện Nam Giang đạt các tiêu chí nông thôn mới. Thượng tá Phạm Thanh Hiếu, Phó Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế -Quốc phòng 207 (Quân Khu 5) chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới vùng biên giới là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Chúng tôi phối hợp, hỗ trợ địa phương nhiều công việc cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả lâu dài như: xây dựng hạ tầng giao thông, nước sạch và các mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao”.

Toàn huyện Nam Giang có 11 xã, bình quân đạt được là 16,10 tiêu chí/xã; 100% tuyến đường liên xã, liên thôn đã được nhựa hóa, bê-tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại, thông thương hàng hóa cho nhân dân vùng biên giới. Đến nay, hai xã đầu tiên là xã Tà Bhing và xã La Dêê đã về đích nông thôn mới.

Xuân về trên miền nông thôn mới vùng biên ảnh 1

Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống giúp người dân vùng biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam tăng thu nhập.

Thay đổi diện mạo mới ở vùng biên giới

Hai huyện biên giới Tây Giang và Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) có dân cư phân bổ dàn trải, chia cắt bởi sông, suối và núi cao; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tuy có giảm hằng năm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, có lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, những năm qua, các huyện này đã tranh thủ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước ưu tiên hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, các xã biên giới còn lồng ghép nhiều chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, thương mại. Các chương trình chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chuyển đổi vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất theo hình thức liên kết nhóm hộ và hợp tác xã nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực Nhà nước.

Huyện Nam Giang hình thành 25 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chăn nuôi tập trung đàn bò, heo cỏ địa phương và hươu sao; 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Tại huyện Tây Giang, chính quyền cơ sở vận động nhân dân hiến đất đai, hoa màu, xây dựng mặt bằng, sắp xếp, bố trí dân cư trên diện tích 123 ha. Đồng thời, ưu tiên phát triển nông nghiệp, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu, hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Bhling Miên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lăng, huyện Tây Giang chia sẻ: “Nhiều chương trình nông nghiệp ứng dụng tại xã phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của người dân. Hiệu quả từ mô hình nhỏ mang lại thu nhập và sau đó nhân rộng ra như mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn trái đang dần hình thành”.

Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, các huyện biên giới tỉnh Quảng Nam cơ bản hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn chỉnh cơ sở vật chất trường học; nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; giữ gìn các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng hàng hóa.

Các xã đạt chuẩn nông thôn mới vùng biên giới đạt chuẩn các tiêu chí: 80% số người dân nông thôn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 35% trở lên, 100% số người dân tham gia bảo hiểm y tế... Thu nhập bình quân các xã biên giới đạt hơn 32 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 43,16%. Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới Việt Nam-Lào.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Giang Nguyễn Đăng Chương khẳng định: Vùng biên giới có khó khăn đặc thù khi xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, chính quyền và nhân dân đồng lòng cùng đưa bộ mặt vùng biên giới thay đổi. Toàn huyện có 11 xã, bình quân đạt được là 16,10 tiêu chí/xã. Hai xã Tà Bhing và La Dêê về đích nông thôn mới. Kết quả nêu trên sẽ tạo đà cho các xã biên giới phấn đấu hơn nữa về đích nông thôn mới.

Đến nay, hai huyện Tây Giang và Nam Giang có năm xã về đích nông thôn mới; trong đó, huyện Nam Giang có hai xã Tà Bhing và La Dêê; huyện huyện Tây Giang có ba xã là Anông, Atiêng và Lăng đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2025, các huyện biên giới tiếp tục phấn đấu đưa ba xã về đích nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là cơ hội để các xã vùng biên giới phát triển rút ngắn khoảng cách với các vùng miền. Huyện Tây Giang tiếp tục gắn kết chặt chẽ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, lồng ghép nguồn vốn, nguồn lực và giải pháp hỗ trợ giữa các chương trình này. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hệ thống hạ tầng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, làm nền tảng xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu, đến cuối năm 2025 có ít nhất 154/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 80%. Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, các huyện biên giới tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới để từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực biên cương.