Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Lê Kim Bằng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc về một số thành tựu nổi bật, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm quý mà địa phương khác có thể tham khảo.
Nhân lên khát vọng làm giàu
Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật mà người dân địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Đồng Nai đang được thụ hưởng thực chất?
Đồng chí Lê Kim Bằng: Như chúng ta đã biết, năm 2014, huyện Xuân Lộc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là 1 trong trong 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước.
Năm 2019, huyện Xuân Lộc được Trung ương chọn là 1 trong 4 huyện của cả nước xây dựng điểm về nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”.
Và mới đây, tháng 4/2024, Xuân Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao danh hiệu nông thôn mới nâng cao cho huyện Xuân Lộc
Để tổ chức thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về “lãnh đạo thực hiện Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" giai đoạn 2018-2025”.
Mục tiêu nghị quyết đặt ra đến năm 2025, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh; 8-9 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo Đề án được duyệt.
Để nói về kết quả nổi bật mà người dân địa phương đi đầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đang được thụ hưởng thực chất, có thể kể đến đó là: Diện mạo nông thôn Xuân Lộc có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, địa bàn, giữa các dân tộc, nhóm dân cư, giữa khu vực đô thị và nông thôn.
Các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn của huyện luôn đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan, nhất là công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông nông thôn. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất có nhiều tiến bộ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung thực hiện; năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên.
Giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng cao (dự ước năm 2024 là hơn 230 triệu đồng/ha, tăng 78 triệu đồng so với thời điểm xây dựng đề án, tăng hơn 20 triệu đồng/ha so với thời điểm huyện đạt nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ đạt chuẩn chỉ tiêu đường huyện quản lý; đường trục xã, liên xã; đường trục ấp nhựa hóa, bê-tông hóa đạt 100%.
Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ gần 12 triệu đồng năm 2008 lên gần 55 triệu đồng năm 2018 và lên hơn 90 triệu đồng năm 2023, dự kiến năm 2024 đạt gần 96 triệu đồng/người.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt gần 97%; 14/14 xã có trung tâm văn hóa thể thao-học tập cộng đồng. Công tác an sinh xã hội, giảm nghèo đạt kết quả tốt, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 0,99% (trong đó, hộ nghèo A chiếm hơn 0,3%, hộ nghèo B chiếm hơn 0,6%) dân số toàn huyện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Xuân Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. |
Phóng viên: Quá trình thực hiện thí điểm “Đề án Xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025”, đã đưa đến cho Xuân Lộc những giá trị thành công nào, nhất là nỗ lực đưa nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Kim Bằng: Những năm qua, huyện Xuân Lộc đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Một trong những điểm nổi bật trong bức tranh tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện thời gian qua chính là sự thay đổi nhanh chóng, rõ nét ở khu vực nông thôn.
Đó không chỉ là sự phát triển về kết cấu hạ tầng, sự chuyển đổi về phương thức sản xuất mà còn là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân và là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong các cộng đồng dân cư nông thôn,...
Đạt được kết quả quan trọng đó là có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và nhân dân.
Ngành nông nghiệp của huyện đã từng bước chuyển dần sang đầu tư sản xuất theo chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất để thâm canh tăng năng suất, chất lượng nông sản từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế.
Từ định hướng đúng đắn này cùng với phát huy hiệu quả nguồn nội lực của người dân trong huyện, nên ngành nông nghiệp huyện đã duy trì được kết quả tăng trưởng khá cao, cơ cấu các loại cây trồng tiếp tục được chuyển dịch đúng định hướng từ việc chuyển đổi các loại cây trồng hiệu quả thấp như điều, cà-phê, cao-su, tràm, vườn tạp... sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như tiêu, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, xoài, cây có múi, cây rau các loại… Đồng thời, tập trung sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGap, GlobalGap; xây dựng sản phẩm OCOP.
Huyện Xuân Lộc luôn xác định “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” là mục tiêu quan trọng để Xuân Lộc tập trung phấn đấu giữ vững huyện nông thôn mới nâng cao và xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Để phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững thì sản phẩm nông nghiệp phải đạt chất lượng, gắn với chế biến và có thị trường ổn định.
Hiện nay, 14/14 xã đã có ít nhất 1 mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và liên kết theo chuỗi giá trị; có 10/10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Có 44 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng theo Bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Về xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến nay có 4 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ về tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành của tỉnh để trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, huyện tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình kiểu mẫu về sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững có hiệu quả; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt
Phóng viên: Ở các xã trên địa bàn huyện có còn tình trạng “nợ” tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu hay không? Theo đồng chí, đâu là những nhóm giải pháp trọng tâm huyện sẽ tập trung thực hiện để giữ vững, không ngừng nâng chất các tiêu chí thời gian tới?
Đồng chí Lê Kim Bằng: Hiện nay, trên địa bàn huyện không có tình trạng “nợ” tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói chung, nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng có những tiêu chí mà tính bền vững không cao, có tính thời điểm, như: Tiêu chí về cảnh quan, môi trường; y tế; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu...
Đối với những tiêu chí này mà công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, chủ quan thiếu kiểm tra, đôn đốc thì các tiêu chí này sụt giảm dẫn đến không đạt quy định.
Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền luôn xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, muốn giữ vững các tiêu chí đạt được, cách tốt nhất là tập trung nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa theo hướng phát triển bền vững trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Xuân Lộc. |
Phóng viên: Từ thực tiễn ở địa phương tiên phong về thành công xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đâu là những bài học kinh nghiệm lớn mà người đứng đầu Đảng bộ huyện tâm đắc rút ra?
Đồng chí Lê Kim Bằng: Thứ nhất, luôn giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức đảng, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; thường xuyên quán triệt sâu sắc những quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, phát huy trí tuệ của tập thể, vai trò người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để nâng cao nhận thức, phát huy dân chủ, quyết tâm của hệ thống chính trị, huy động sức mạnh toàn dân để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thứ ba, xác định cán bộ là gốc của mọi công việc; công việc có thành công hay thất bại đều do yếu tố công tác cán bộ quyết định. Nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, cán bộ, đảng viên tâm huyết và gương mẫu thì nơi đó xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Do vậy, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có tâm huyết, có năng lực và trách nhiệm.
Thứ tư, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Trung ương, tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên coi trọng công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn để đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc.
Phát huy vai trò trách nhiệm, mạnh dạn, sáng tạo, quyết liệt của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời tranh thủ ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện.
Phóng viên: “Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng”, quan điểm này đang tiếp tục được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xuân Lộc quán triệt ra sao trong hệ thống chính trị và người dân ở cơ sở hiện nay, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Kim Bằng: Xác định quan điểm “Xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng”, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và cấp ủy cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, linh hoạt nhằm đạt mục đích lan tỏa nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.
Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, củng cố lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên có chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm, nắm chắc về nội dung, phương pháp tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới mà bà con thụ hưởng, từ đó tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện.
Giá trị canh tác trên một đơn vị sản xuất đất nông nghiệp ở huyện Xuân Lộc ngày càng tăng cao. |
Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện quán triệt tinh thần xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc; tuyệt đối không chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn với kết quả hiện tại mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới sáng tạo hơn nữa; phát huy những thành tích đã đạt được, tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông “đi trước một bước”. Xác định rõ việc xây dựng nông thôn mới nhằm hướng đến mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là không ngừng nâng cao thu nhập cho nhân dân; xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu chiến lược Đảng về xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”.
Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện có hiệu quả các đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Như, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh; chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Đồng thời, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đưa phong trào “Xuân Lộc chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn.
Thực hiện tốt bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa-du lịch, huyện tập trung thực hiện thu hút, hỗ trợ đầu tư Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le, với kỳ vọng là điểm đến du lịch hàng đầu của tỉnh Đồng Nai.
Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Huyện và các xã trên địa bàn phải xây dựng kế hoạch, xác định rõ các nguồn lực và lộ trình để nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, phấn đấu đầu năm 2025, huyện Xuân Lộc được công nhận là huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!