Trước khi về thăm và làm việc với Tổng công ty Cao-su Đồng Nai, Đoàn nhà báo chúng tôi đến thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài 13 ngày đêm để phá tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tạo điều kiện cho các đơn vị bộ đội chủ lực của ta tiến thẳng vào Sài Gòn, góp sức làm nên Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975.
Mắt tôi rớm lệ khi lần lượt xem các bảng vàng khắc tên các liệt sĩ đang an nghỉ ở một vùng đất khá rộng của thị trấn Xuân Lộc. Đọc kỹ từng tên tuổi, quê quán, tôi xúc động khi thấy phần lớn các liệt sĩ khi ngã xuống đều ở tuổi trên dưới 20. Hầu hết sinh ra và lớn lên ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, từ Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, tới các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, rồi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Tôi bồi hồi nhớ lại, tại buổi lễ mừng Đại thắng mùa xuân năm 1975 diễn ra tại Hà Nội ngày 9/5/1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Chiến thắng lịch sử này là chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam”. Đó cũng chính là chiến thắng của khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn Dân ta, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, mà trải qua 21 năm chiến đấu ròng rã, đổ bao máu xương mới có ngày Đại thắng 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền dải. Nếu ai nghĩ khác, nói khác thực tế lịch sử này, xin hãy đến các nghĩa trang ở Điện Biên, Trường Sơn, Đường 9, Bến Dược, Củ Chi, Long Khốt, Buôn Ma Thuột, Kon Tum và nhiều nơi khác, trong đó có vùng đất Xuân Lộc này!
Đứng tại Đền thờ liệt sĩ Long Khánh, tôi tranh thủ ghi lại mấy chi tiết rất đáng nhớ: sau khi Đà Nẵng thất thủ ngày 29/3/1975, chính quyền Sài Gòn gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh nhằm làm chậm tốc độ tiến công của bộ đội ta theo hướng quốc lộ 1 và đường 20 đánh vào Sài Gòn, Biên Hòa, lập nên tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định; trong đó Xuân Lộc được xác định là điểm trọng yếu – là “cánh cửa thép” phía đông Sài Gòn. Chính vì vậy, chúng đã tập trung một lực lượng lớn bộ binh, xe tăng, máy bay và huy động cả lực lượng cảnh sát dân vệ, nghĩa quân tại chỗ; từ đó, hí hửng rằng “Xuân Lộc sẽ bất khả xâm phạm!”. Với ý chí quyết chiến, quyết thắng, các đơn vị của ta đã chiến đấu quả cảm, giành từng tấc đất; có lúc do lực lượng của ta bị mất mát nhiều, địch có ưu thế chi viện nhanh tại chỗ, nên cuộc chiến đấu diễn ra giằng co quyết liệt suốt 13 ngày đêm. Cho đến ngày 21/4/1975, “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã bị mở toang, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Sau đó 2 ngày, ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tự tuyên bố: “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt với người Mỹ”.
Tôi đứng lặng ngắm toàn cảnh khu đền thờ rộng hơn 3ha này, hoa đại đang bung nở thơm ngát, gió nhẹ lay động các tán cây quanh đền như ru mát vong linh hơn 7.000 liệt sĩ đang an nghỉ nơi đây. Rời khu đền, xe đưa Đoàn chầm chậm qua các cánh rừng cao-su bạt ngàn, tôi thầm cảm ơn những rừng cây này đã một thời chở che bộ đội ta ẩn nấp, và cũng là bàn đạp để quân ta vững tiến vào giải phóng Long Khánh.
Bước vào khu hành chính, Đoàn chúng tôi rẽ thăm Phòng truyền thống Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty Cao-su Đồng Nai.
Các đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty; Lê Văn Cường, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty… lần lượt dẫn Đoàn thăm hết các hiện vật trưng bày tại 2 lầu tòa nhà. Chúng tôi cảm thấy “sức hút” lớn lao của các hiện vật mang tính lịch sử đặt tại đây, trong đó có hình ảnh bọn cai đồn điền thời thuộc Pháp đã đánh đập dã man và tra tấn các công nhân không làm việc vì bị đau ốm, mắc các bệnh sốt rét, thân gầy khẳng khiu do thiếu ăn, thiếu mặc…, làm chúng tôi thấm thía câu ca dao ngày ngồi trên ghế trường phổ thông: “Cao-su đi dễ khó về/ Khi đi mất vợ, khi về mất con”. Trước khi vào Phòng truyền thống này, Đoàn đã tận mắt thăm 2 ngôi nhà mái tranh dành cho các gia đình công nhân thời Pháp còn lưu lại. Mỗi nhà được chia ra những phòng chật hẹp, ánh sáng tối tăm dành cho những người lao động có gia đình. Bây giờ, lại được chứng kiến cái bàn tra tấn dã man những người mà bọn cai cho là “làm việc vật vờ”, mới hiểu rõ hơn dã tâm bóc lột công nhân ta đến tận xương, tận tủy! Theo quy luật của lịch sử xã hội, ở đâu có áp bức bóc lột, ở đó có đấu tranh. Tại đây là nơi xuất hiện sớm chi bộ cộng sản lãnh đạo công nhân đấu tranh bằng đình công, bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Được thành lập vào ngày 2/6/1975 trên cơ sở Công ty quốc doanh Đồng Nai, với diện tích mà Tổng công ty Cao-su Đồng Nai tiếp quản tại 12 đồn điền cao-su của 4 Công ty tư bản Pháp gồm 21 nghìn ha cao-su nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tại thời điểm đó, Tổng công ty rơi vào tình trạng “3 kiệt”: cây suy kiệt, vật tư trang thiết bị suy kiệt và nguồn lao động cạn kiệt. 48 năm qua là chặng đường dài với bao khó khăn, trở ngại về công tác quản lý, về vật tư thiết bị thiếu thốn, về giá cả cao-su lên xuống thất thường, có thời kỳ “chạm đáy”… Với bản chất kiên cường của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tổng công ty từng bước vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, từng bước nâng cao điều kiện ăn ở, làm việc và tiền lương. Nét nổi bật dễ thấy là, ban lãnh đạo đều xây dựng được chiến lược phát triển qua từng thời kỳ, theo đó là hàng loạt biện pháp cụ thể, mang tính cách mạng - đó là quyết tâm đưa điện khí hóa và cơ khí hóa vào sản xuất, kinh doanh - những yếu tố trực tiếp nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của đơn vị trong những năm gần đây.
Kế thừa truyền thống của Tổng công ty qua các thời kỳ, riêng năm 2022, Tổng công ty đã trang bị máy móc, thiết bị cơ giới hiện đại, chế tạo thành công bộ thiết bị cơ giới phục vụ vườn cây gồm hệ thống 17 loại máy móc với hơn 400 phương tiện, thiết bị. Nhờ coi trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, Tổng công ty đã khai thác được 29.500 tấn mủ cao-su, vượt 18% kế hoạch; thu mua 7.084 tấn mủ, chế biến được 42.529 tấn, đạt hơn 115% kế hoạch, tăng 11% so với năm 2021. Tất cả các sản phẩm đều đạt tiêu chí quốc gia, được Hiệp hội cao-su Việt Nam tái cấp chứng nhận nhãn hiệu “CAO SU VIỆT NAM”. “Nước lên thì thuyền lên”, mức lương bình quân đạt 11 triệu đồng/ tháng, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới suy thoái, đó là sự cố gắng đáng ghi nhận của tập thể cán bộ và người lao động.
Trong cuộc trao đổi ý kiến cởi mở và thân tình về cái thuận và không thuận của Tổng công ty trong thời kỳ mới, đồng chí Cường cho biết, điều mà đơn vị đang lo lắng là tìm mọi cách khắc phục hiện tượng “già hóa” của đội ngũ công nhân. Tổng công ty trong mấy năm qua đã trực tiếp ra một số tỉnh phía Bắc tuyển người, nhưng đều rất khó “giải mã” một thực tế là, những người muốn đi vào trong này chỉ mong muốn mang tính “thời vụ”, chứ không ở lâu dài. Nếu vậy, Tổng công ty sẽ hoàn toàn bị động trong việc quản lý và chỉ đạo sản xuất theo kế hoạch. Rất mừng là, khi lên Hà Giang, đã có nhiều bà con tự nguyện đăng ký vào đây lâu dài với điều kiện Tổng công ty nhận cả gia đình và bố trí cho họ nơi ăn ở cho cả nhà. Vậy là đến nay, Tổng công ty đã tiếp nhận hơn 600 lao động người H’Mông vào làm việc. Để tạo điều kiện cho họ yên tâm, phấn khởi lao động, ngoài việc xây dựng hệ thống nhà ở bền chắc, bảo đảm đủ mọi sinh hoạt vật chất, tinh thần, Tổng công ty còn lo mở trường lớp dạy tiếng Việt cho học sinh người H’Mông, v.v…
Kỹ sư Trần Thanh, Trợ lý Tổng giám đốc, người đã tình nguyện rời một trường đại học, chuyên nghiên cứu về cơ khí hóa, tự động hóa, về Tổng công ty, hiện cùng đồng đội đang thí điểm lắp hệ thống rô-bốt thay thế công nhân trực tiếp cạo mủ cao-su. Quá trình thí điểm ấy đã cho kết quả đáng khích lệ, mở ra nhiều triển vọng cho việc sử dụng đại trà và sắp xếp lại lực lượng lao động hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Chúng tôi chia tay Tổng công ty, khi thấy nhiều đoàn khách du lịch náo nức đến thăm con suối thơ mộng chảy giữa khu trung tâm. Thêm một niềm vui mới vì có thêm những hướng kinh doanh, mở ra những triển vọng tốt đẹp cho Tổng công ty trong năm 2023 này.
Tháng 5/2023