Vừa qua, tại khu vực thôn Nà Lừa, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chủ trì, phối hợp Đoàn đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm miền bắc (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Công an huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn bắt giữ hai đối tượng Trần Văn Minh (SN 1995) và Phan Mạnh Duy (SN 1994), cùng trú tại thôn 2, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi vận chuyển pháo trái phép.
Tại thời điểm bắt giữ, hai đối tượng đang điều khiển xe ô-tô BKS 98A-02220 đi từ hướng thôn Nà Lừa, xã Bính Xá đến thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, vận chuyển trái phép 10 thùng pháo hoa dạng phụt nổ, tổng trọng lượng pháo là 181kg. Hiện, vụ việc đã được các lực lượng chức năng hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, bàn giao cho Công an huyện Đình Lập tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Không chỉ buôn lậu pháo mà một số người hám lợi còn mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các nguyên liệu, vật liệu chế tạo pháo nổ gây ra những tác hại khôn lường. Mới đây nhất, sáu cháu nhỏ từ chín đến 12 tuổi đã tập trung tại một gia đình ở thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk để làm pháo nổ từ bột mầu trắng và mầu vàng (lưu huỳnh) được mua trên mạng.
Trong quá trình làm pháo đã gây ra vụ nổ lớn khiến hai cháu bị chết; bốn cháu còn lại bị thương đang được điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP Hồ Chí Minh... Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến pháo do các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây cũng là “hồi chuông” báo động tình trạng vi phạm về pháo lậu, pháo tự chế xuất hiện ngày càng nhiều vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Qua tìm hiểu, sắp đến Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo lậu và các nguyên liệu, vật liệu chế tạo pháo diễn biến phức tạp, nhất là khi Nghị định số 137/2020/NÐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11/1/2021. Mặc dù Nghị định này đã có hiệu lực từ lâu nhưng nhiều người vẫn cố tình hiểu sai và cho rằng sau khi Nghị định có hiệu lực sẽ được đốt các loại pháo.
Theo Luật sư Bùi Đình Bản (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ theo Nghị định số 137/2020/NÐ-CP của Chính phủ, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa có âm thanh, ánh sáng, mầu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, gọi là pháo hoa không nổ. Các loại pháo hoa này hiện do Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) là đơn vị duy nhất được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất và phân phối. Nếu người dân mua bán, sử dụng các loại pháo lậu, pháo không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, với hành vi đốt pháo trái phép có thể bị xử phạt đến 10 triệu đồng theo khoản 3 Điều 11 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định trường hợp sử dụng pháo trái phép gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc Điều 305 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ cũng của Bộ luật này…
Theo đồng chí Nguyễn Đình Hưng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, pháo nổ là mặt hàng cấm và được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống các văn bản pháp luật. Để tăng cường công tác phòng, chống mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại pháo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán năm 2023. Vận động các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh ký cam kết không tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện tốt công tác chống mua bán, vận chuyển trái phép pháo, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu pháo. Tích cực vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng... để xác lập, đấu tranh chuyên án, vụ án liên quan đến pháo lậu
“Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp chính quyền địa phương và gia đình quản lý, giáo dục học sinh có ý thức chấp hành tốt các quy định. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia vào các hoạt động sử dụng, mua bán, tàng trữ, tự chế tạo và vận chuyển trái phép các loại pháo. Tổ chức cho học sinh các trường học ký cam kết không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các loại pháo; không tiếp tay cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo nổ. Kiên quyết kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục nếu buông lỏng quản lý dẫn đến các vi phạm liên quan pháo nổ. Tích cực phát hiện, nêu gương các học sinh đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè không tham gia mua bán, tàng trữ và đốt pháo trái phép”.
NGUYỄN VĂN MẠNH
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ
“Việc đốt pháo nổ trái phép tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đến sức khỏe người sử dụng cũng như người chung quanh. Bởi vì trong pháo nổ chứa rất nhiều chất hóa học như phốt-pho, lưu huỳnh,… khi đốt không chỉ tỏa nhiệt gây bỏng mà còn sinh ra chất độc, ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp. Ngoài ra, khi pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da; bỏng da mặt, cháy lông mi, lông mày; xuất huyết nội nhãn; đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, cụt ngón tay, cụt bàn tay... Các chấn thương do pháo gây ra thường tùy thuộc vào lượng chất nổ và tính chất quả pháo khi được chế tạo. Thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc bị thương tật suốt đời do đốt pháo nổ tự chế”.
Bác sĩ CK I VŨ VĂN TUẤN
Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái