Ngăn chặn hiểm họa từ pháo nổ

Tối 27/12/2022, tại cửa hàng sửa chữa xe máy ở số 176 Hoàng Công Chất (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) xảy ra một vụ cháy nổ khiến ba nhân viên của cửa hàng bị thương nặng. Vào cuộc điều tra, lực lượng chức năng phát hiện, sở dĩ vụ cháy nổ lớn như vậy là do bị nổ bình ga cộng hưởng với pháo nổ do các nhân viên trên mua thuốc về tự chế.

Trước đó không lâu, Công an huyện Thường Tín đã phá vụ án “Tàng trữ hàng cấm”, thu giữ gần bảy tấn pháo tại một kho hàng trên địa bàn, chuẩn bị tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đối tượng Nguyễn Mạnh Phái (sinh năm 1998, ở thôn Phú Mỹ, xã Thư Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội) được một người thuê cất giấu số pháo nêu trên với tiền công là 10 triệu đồng/tháng. Để vận chuyển số lượng pháo lậu lớn như vậy, các đối tượng đã ngụy trang, cất giấu pháo trong các thùng giấy in nhãn hoa quả nhập khẩu và vận chuyển bằng ô-tô tải từ Lạng Sơn về.

Càng gần Tết Nguyên đán, việc đấu tranh với đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu chính để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo gặp nhiều khó khăn do đối tượng thường giấu tên, địa chỉ hoặc sử dụng tên, địa chỉ giả, số điện thoại giả để giao dịch, vận chuyển, nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng như vụ việc xảy ra tại huyện Thường Tín và quận Bắc Từ Liêm nêu trên. Các đối tượng thường hoạt động trong các nhóm kín trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, sử dụng các tài khoản ảo, không có thông tin cá nhân, việc mua bán được liên lạc qua sim điện thoại rác gây khó khăn cho công tác xác minh, đấu tranh.

Theo lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao, phát sinh các loại tội phạm về pháo nổ, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng không khí vui xuân, đón Tết.

Với quyết tâm ngăn chặn pháo nổ, Ban Giám đốc Công an Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an quận, huyện, thị xã, nhất là lực lượng công an xã chính quy tổ chức rà soát, xác định, lên danh sách đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông; phương thức thủ đoạn, tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm về hoạt động chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, nhất là những địa bàn, khu vực những năm trước còn xảy ra tình trạng đốt pháo nhiều, phức tạp về an ninh, trật tự để tổ chức tuyên truyền, vận động và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn.

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, để hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, pháo tự chế, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, nhất là nhóm thanh, thiếu niên hiếu động, thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của pháo nổ, pháo tự chế. Những đối tượng cố tình sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo cần xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Hạn chế các vi phạm pháp luật về pháo để ngăn ngừa việc xảy ra những vụ việc đau lòng do pháo nổ gây ra vào thời điểm cuối năm.