Trong năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã có quyết định thu hồi hai dự án vì chậm triển khai. Đó là dự án Khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã được cấp chứng nhận đầu tư từ cách đây 12 năm trước. Dự án thứ 2 bị thu hồi là dự án đầu tư tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, quận Bắc Từ Liêm. Lý do chấm dứt hoạt động là do các công ty được giao dự án không thực hiện được theo tiến độ quy định của pháp luật. Thậm chí, sau khi được giao đất, các chủ đầu tư không tích cực phối hợp chính quyền địa phương để thực hiện các bước thủ tục của dự án.
Theo quy định, dự án sẽ bị thu hồi nếu chậm đưa đất đã được bàn giao vào sử dụng trong vòng 12 tháng. Nhưng lại chưa có quy định xử lý dự án chậm giải phóng mặt bằng như thế nào, kéo dài trong bao nhiêu năm? Ngoài nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, một số chủ đầu tư dự án chây ỳ do không đủ năng lực thực hiện. Một số khác thì luôn tìm cách trốn tránh việc thu hồi.
Theo các chuyên gia, lý do thật sự khiến nhiều chủ đầu tư dù không còn năng lực triển khai dự án nhưng vẫn quyết không trả đất, là bởi đằng sau đó là ý định "ôm" đất chờ thời, bán sang nhượng cho doanh nghiệp khác với giá cao. Theo chia sẻ của chính quyền một số địa phương, việc thu hồi dự án chậm bỏ hoang là một quá trình gian nan. Nhất là có những dự án chủ đầu tư đã thế chấp đất vay vốn ngân hàng, hoặc huy động vốn, thu tiền từ khách hàng. Thậm chí, dự án thu hồi xong rồi sẽ xử lý các bước tiếp theo như thế nào cũng là bài toán nan giải.
Trước thực tế này, thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã có những động thái quyết liệt để thu hồi những dự án triển khai với tốc độ “rùa bò” gây lãng phí tài nguyên. Trong giai đoạn 2015-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc thực hiện chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai và có kết luận thanh tra đối với từng dự án và tổng hợp, báo cáo HĐND và UBND thành phố.
Từ kết quả thanh tra, UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng đất không còn phù hợp các quy định hiện hành; kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm, xử lý hoặc kiến nghị đề xuất với UBND thành phố, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hình thức xử lý các vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra.
Đồng thời, UBND thành phố cũng đã thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 28 dự án với tổng diện tích 1.758,6ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn đối với 24 dự án với tổng diện tích 35,8ha đất; trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành 42 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với số tiền hơn 900 triệu đồng.
Tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả. Xử lý triệt để những bất cập trong quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật. Kiên quyết thu hồi đất đã giao nhưng không triển khai thực hiện đúng thời gian quy định. Quản lý chặt chẽ việc phê duyệt các dự án, tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả, tránh hiện tượng “quy hoạch treo”, “dự án treo” gây lãng phí tài nguyên đất.
UBND thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Chủ trì lựa chọn các địa phương, khu vực có vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai nghiêm trọng, kéo dài chậm xử lý để thanh tra, làm rõ vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức, cá nhân vi phạm và để xảy ra vi phạm, đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong đó, cần tập trung thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các vụ việc đã có kết luận, định kỳ sáu tháng báo cáo kết quả thực hiện.