Điều đáng quan tâm ở đây là nhiều loại thực phẩm chức năng (một cách gọi khác là TPBVSK) đang được "thần thánh hóa", coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh được quảng cáo rầm rộ trên rất nhiều kênh: truyền hình, website, mạng xã hội (Facebook, Zalo...).
Rất nhiều website chưa đăng ký vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng: dongylanchi, naturix, baothanhduong... Nhan nhản những lời quảng cáo là "tốt nhất", là "cứu tinh", là "thần dược", là "số 1"... trong khi đây đều chỉ là những sản phẩm hỗ trợ, là thực phẩm chức năng và hoàn toàn không có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Cùng với đó, những trang web này sẵn sàng mạo danh, mượn hình ảnh của cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế để gắn vào nội dung quảng cáo hoặc nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo thực phẩm chức năng.
Mới đây trên mạng zalo lấy logo "Viện dinh dưỡng quốc gia" quảng cáo một loại sữa Goldengout: "Chỉ cần dùng hai ly mỗi ngày là hết đau lưng, mỏi gối, tê bì chân tay, đau nhức thoái hóa khớp gối bả vai thoát vị đĩa đệm... chấm dứt bệnh xương khớp không cần mổ, không cần đi viện, không cần sử dụng thuốc tây"...
Những quảng cáo này khiến nhiều người xem lầm tưởng. Một số loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, giảm cân đã mời diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng quay quảng cáo và nhiều trong số đó đã bị thổi phồng về công dụng, thậm chí có quảng cáo giống như thuốc chữa bệnh.
Hay gần đây, nhiều người truyền tai nhau tiêm, truyền thuốc bổ não, với mục tiêu chống đột quỵ, mất trí nhớ. "Thanh lọc cơ thể, tái tạo tế bào, ngăn ngừa ung thư, cải thiện thành mạch, chống lão hóa" hay "tăng cường sức khỏe não bộ, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh tim mạch" là quảng cáo về lợi ích khi truyền các gói tinh chất, bổ não và được đặt những cái tên như một phương pháp mới: Triatomic; Resmax... được đăng tải trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở y tế quảng cáo những gói truyền này và phát hiện đây chỉ là những loại thuốc bổ thông thường như vitamin b6, b12. Với những sai phạm của cơ sở, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt 45 triệu đồng vì quảng cáo chưa được cấp phép và thu hồi chứng chỉ hành nghề của một bác sĩ trong vòng 2 tháng...
Ngày 25/3/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1504/BYT-ATTP về tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo TPBVSK. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các bộ, ban, ngành cần có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định; có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, Twitter..., các nền tảng quảng cáo trên YouTube, Coccoc, Chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật của Việt Nam về quảng cáo; quản lý chặt điều kiện cho phép mở website, tên miền hoạt động nhằm bảo đảm khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm...; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo TPBVSK trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm TPBVSK.
Cùng với sự phối hợp vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, chỉ đạo kiểm tra của các bộ, ngành, điều quan trọng nữa là cần tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về TPBVSK, tiếp nhận thông tin có chọn lọc; tích cực phản hồi với cơ quan chức năng về các biểu hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo TPBVSK.
Do chạy theo lợi nhuận, các đơn vị kinh doanh sẵn sàng lừa dối cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người do tin vào quảng cáo TPBVSK đã từ chối sử dụng thuốc, khiến bệnh ngày một nặng lên, khi tới cơ sở y tế thì việc điều trị trở nên khó khăn, vì đã bỏ qua "thời gian vàng" chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Gia Khánh (Bộ Y tế)