Ngày 21/5/2023, Đồn Biên phòng Sông Đốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) nhận được tin báo của ông Lý Thanh Phong, thuyền trưởng tàu cá số hiệu BT 93599 TS, về việc một thuyền viên trên tàu bị đâm tử vong và ông Phong đang điều khiển tàu chạy vào bờ để nhờ Đồn Biên phòng hỗ trợ.
Trên thực tế, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ án mạng trên tàu cá mà nguyên nhân do mâu thuẫn trong khi lao động giữa các thuyền viên trên tàu, trong đó nhiều vụ đã bị truy tố, đưa ra xét xử.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phối hợp với Công an huyện Trần Văn Thời tiếp cận tàu BT 93599 TS để bắt giữ đối tượng gây án. Theo điều tra ban đầu, khoảng 21 giờ ngày 20/5/2023 các thuyền viên trên tàu BT 93599 TS tổ chức ăn nhậu. Đến khoảng 22 giờ 30 phút thì nghe tiếng cãi nhau giữa Nguyễn Trọng Nhân và Danh Sen, sau đó Danh Sen lên nóc cabin nằm nghỉ. Đến khoảng 2 giờ ngày 21/5/2023, thuyền viên Lê Công Chánh vào gọi ông Phong và thông báo Nguyễn Trọng Nhân đã dùng dao đâm chết Danh Sen.
Trên thực tế, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ án mạng trên tàu cá mà nguyên nhân do mâu thuẫn trong khi lao động giữa các thuyền viên trên tàu, trong đó nhiều vụ đã bị truy tố, đưa ra xét xử.
Ngày 17/8/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã đưa ra xét xử vụ án giết người, tuyên phạt các bị cáo Trần Hoài Phong, Phạm Văn Đằng, Nguyễn Thanh Thảo và Ngô Bảo Huynh từ 9 đến 19 năm tù về tội giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Liên quan vụ án này, Trần Thanh Bền, Lê Minh Bằng bị tòa phạt từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù về tội che giấu tội phạm, theo Điều 389 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, cuối tháng 7/2022, ghe cá do Bằng làm thuyền trưởng chở 10 thuyền viên (Dương Minh Quang, Nguyễn Văn Trí, Phan Văn Sang, Nguyễn Văn Tuấn cùng 6 bị cáo nêu trên) xuất bến tại cửa biển Hàm Luông, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Quá trình đánh bắt thủy sản, các thuyền viên cho rằng ông Tuấn lười biếng, không thay đổi khi được nhắc nhở. Ngày 26/11/2022, tàu cá đang hoạt động trên vùng biển Cà Mau, Phong cầm dây xích ném vào người ông Tuấn, đe dọa “quăng xuống biển, trấn nước”.
Sau đó, Phong quăng ông Tuấn xuống biển, nhảy theo dìm dưới nước. Khi ông Tuấn vùng vẫy thoát ra rồi bơi về mạn tàu, Đằng, Thảo, Huynh lần lượt nhảy xuống đè tiếp dưới nước. Khi thấy nạn nhân kiệt sức, những ngư phủ này mới kéo lên tàu, sơ cứu nhưng một lúc sau nạn nhân tử vong. Tòa nhận định, hành vi của các bị cáo mang tính chất côn đồ song không có mâu thuẫn từ trước với nạn nhân, việc dìm nước nhằm đe dọa mà không nghĩ đến hậu quả nên tuyên mức án trên.
Trước đó, vào ngày 28/4/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Văn Pháp (64 tuổi) và Nguyễn Văn Đức (29 tuổi, cùng trú tại xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về tội giết người quy định tại Điểm n, Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự. Hai bị cáo là hai cha con.
Theo cáo trạng, khoảng 14 giờ ngày 30/5/2022, tại vùng biển thuộc xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên), do mâu thuẫn phát sinh khi thuyền của Nguyễn Văn Pháp vướng vào lưới của ông Trần Vĩnh Thức (54 tuổi, trú xã Yên Hòa) trong quá trình đánh bắt cá nên Nguyễn Văn Pháp cùng con trai Nguyễn Văn Đức đã điều khiển thuyền đâm vào thuyền của ông Thức. Sau đó, hai cha con Nguyễn Văn Pháp đã dùng mái chèo và gậy gỗ đánh vào vùng đầu của ông Thức khiến nạn nhân rơi xuống biển. Do bị đánh chấn thương sọ não nên khi rơi xuống biển nạn nhân bất tỉnh, Pháp và Đức đã vớt ông Thức lên thuyền để sơ cứu nhưng nạn nhân đã tử vong. Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Pháp là người khởi xướng và cùng với Nguyễn Văn Đức trực tiếp dùng mái chèo đánh ông Thức tử vong. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Pháp 16 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Đức 15 năm tù.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những vụ án giết người trên tàu cá nêu trên đều có tính chất côn đồ, coi thường pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Hầu hết các vụ án xảy ra ở khu vực xa khu dân cư, nên có nhiều vụ án các đối tượng gây án đã vứt xác nạn nhân xuống biển nhằm phi tang đã gây khó khăn cho công tác điều tra.
Ngày 29/6/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử vụ án giết người quăng xác xuống biển và cướp tài sản, xảy ra tại khu vực biển Cà Mau. Theo cáo trạng, ông Huỳnh Văn Tuấn (36 tuổi, ở huyện Ba Tri, Bến Tre) là tài công tàu cá BT 97759-TS. Vào tháng 2/2021, tàu cá xuất bến tại cửa biển Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Trong quá trình đánh bắt trên biển, một số thuyền viên thường xuyên bị ông Tuấn mắng chửi, bắt làm việc liên tục. Sau đó, một số thuyền viên rủ nhau giết ông Tuấn. Hành vi giết người được thực hiện vào tháng 3/2021. Khi bị tàu cá khác phát hiện, truy đuổi, các đối tượng đã vứt xác nạn nhân xuống biển và tổ chức chạy trốn. Quá trình chạy trốn, các đối tượng đã thực hiện hành vi cướp tài sản, chia nhau tiêu xài.
Hội đồng xét xử đã tuyên tử hình bị cáo Lê Văn Điền (37 tuổi, ở xã Nam Thái A, huyện An Biên, Kiên Giang); Nguyễn Hoài Nhớ (25 tuổi, ở thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) về tội giết người và cướp tài sản. Hai bị cáo Nguyễn Văn Hải (31 tuổi, ở xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Trương Hoàng Chí (27 tuổi, ở phường Pháo Đài, TP Hà Tiên, Kiên Giang) lãnh mức án chung thân về cùng tội danh. Còn ba bị cáo Nguyễn Văn Hùng (23 tuổi, ở xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), Lê Văn Vồ (40 tuổi, xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) bị tuyên 7 năm tù và Trịnh Văn Lặt (31 tuổi, xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) lãnh 5 năm tù về tội cướp tài sản.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, những vụ án giết người trên tàu cá nêu trên đều có tính chất côn đồ, coi thường pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân, nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Hầu hết các vụ án xảy ra ở khu vực xa khu dân cư, nên có nhiều vụ án các đối tượng gây án đã vứt xác nạn nhân xuống biển nhằm phi tang đã gây khó khăn cho công tác điều tra.
Các chuyên gia về pháp luật cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng bên cạnh tăng cường công tác phổ biến và giáo dục pháp luật đối với những thuyền viên tham gia đánh bắt cá trên biển, cần đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra giám sát, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật trên các tàu cá, góp phần bảo đảm trật tự an toàn trên các vùng biển.