Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường cát lậu bắt đầu xâm nhập vào thị trường nước ta từ năm 1999 với gần 100 nghìn tấn, nay tăng lên ở mức 700 nghìn tấn. Từ năm 2018 đến hết tháng 9-2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá hơn 12,5 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vận chuyển, kinh doanh đường nhập lậu; vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ. Có thể thấy, các ngành chức năng và địa phương đã và đang vào cuộc để ngăn chặn, xử lý "vấn nạn" đường lậu, không rõ nguồn gốc nhưng số vụ vi phạm bị bắt và thu giữ vẫn như "muối bỏ biển".
Ðường lậu, gian lận thương mại kéo dài nhiều năm với số lượng lớn gây tổn thất cho ngành mía đường trong nước khiến nhiều nhà máy đường đóng cửa vì không thể cạnh tranh được với giá đường lậu.
Hiện nay, đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái-lan, qua Cam-pu-chia "tuồn" vào biên giới các tỉnh tây nam, miền trung rồi đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ. Hoạt động này chủ yếu tập trung ở các tỉnh An Giang, Long An, Tây Ninh, Ðồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước và TP Hồ Chí Minh... Những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại đường sử dụng như sang chiết, phối trộn đóng gói để biến thành đường nội địa mang đi tiêu thụ; tham gia đấu giá đường sau đó sử dụng hồ sơ quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Nhiều trường hợp, đường cát lậu sau khi tập kết vào nước ta được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất rồi sử dụng bao bì, nhãn mác của nhà máy đường trong nước mang đi tiêu thụ.
Từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, do nhu cầu sử dụng đường trong nước nhiều để phục vụ sản xuất đồ ăn, nước uống cho nên tình trạng buôn lậu đường cát sẽ tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng và địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để các vụ vi phạm nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu đường qua biên giới, bảo vệ sản xuất đường trong nước. Ðồng thời, ngăn chặn việc lợi dụng sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường của các tổ chức, cá nhân nhằm hợp thức hóa đường nhập lậu; ngăn chặn lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý đường nhập lậu bị tịch thu, hóa đơn mua bán đường trong nước, nhằm mục đích xoay vòng hóa đơn, hợp thức hóa cho các lô hàng đường nhập lậu khác; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện tốt các chủ chương chính sách, quy định của pháp luật về việc kinh doanh mặt hàng đường. Ðặc biệt, các cơ quan chức năng cần yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường; thực hiện hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã "QR code" nhằm kiểm tra tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa, đối phó hữu hiệu hơn với đường nhập lậu và gian lận thương mại; xử lý nghiêm những trường hợp lực lượng chức năng có hành vi bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu đường và gian lận thương mại...