Cảm ơn kẻ hại con mình
Mấy ngày rồi, nét mặt anh Hồ Văn Tâm (thôn Kà Tinh, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) thường trực vẻ mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng. Quẩn quanh hiên nhà, người đàn ông 46 tuổi bạc nửa mái đầu, trầm ngâm đối diện với con gái của mình. Đôi mắt sâu, trầm tư khiến anh già hom chỉ sau mươi ngày.
Buổi sáng đầu tháng 4, điện thoại anh Tâm hiện lên số con gái. Chỉ kịp bấm nghe, giọng của bé Hồ Thị Linh trong veo “Ba ơi, con muốn về nhà đi học. Con không có tiền về. Ba xin anh Tiên cho con về đi. Về nhà con nói chuyện với ba sau”. Dứt lời, điện thoại tắt lịm.
Với linh cảm của người cha dành cho con gái, anh Tâm cảm thấy bất an. Con gái đi làm dưới phố mươi ngày qua, không có tiền phải xin người giúp để về nhà. Không kịp nghĩ thêm, anh điện thoại lại cho con. Trả lời điện thoại là giọng của thanh niên lạ. Người cha liên tục thuyết phục, nhờ cậy thanh niên cho con gái về nhà. “Qua điện thoại anh thanh niên kia đồng ý chở giúp con mình ra bến xe về. Mình mừng lắm. Nghĩ con không có tiền, anh ta giúp đưa về thì biết ơn sao kể hết. Mình cảm ơn rối rít, vì có người giúp con gái mình” – Tâm bộc trực.
Nhà trên ngọn đồi cao thôn Kà Tinh, phải qua nhiều con dốc đường bê-tông anh Tâm xuống bến xe huyện Trà Bồng mươi cây số. Chiếc xe máy cũ kỹ chạy hết sức theo chủ để kịp đón chuyến xe buýt dưới phố về làng. Vừa chạy nhanh vừa lo cho con gái. Sau hơn một giờ sốt ruột chờ đợi, bóng dáng Linh trên xe buýt bước xuống, anh Tâm mới dám tin con gái thật sự về nhà. Khuôn mặt Linh nước mắt chảy dài.
Sau chút tĩnh tâm, Hồ Thị Linh kể cho cha nghe những ngày trong động quán karaoke Hoàng Gia (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa). Chửi, tát, đấm đá, tiếp khách nhậu nhẹt, hát hò karaoke là những thứ mà cô bé 17 tuổi chịu đựng, trải qua. Chưa đầy một tháng xuống phố làm việc, cái ám ảnh trên đôi mắt của con gái truyền sang cho người cha, đầy bẽ bàng, chua xót.
“Anh ta hại con mình thế mà mình không biết. Lại nghĩ họ giúp và cảm ơn rối rít. May mà nó về được chứ không thì chẳng biết sẽ như thế nào. Mình nuôi con bao năm không dám đánh. Giờ người ta hành hạ, đánh nó mình đau lòng. Làm cha vậy sao không đau lòng” – Tâm cay đắng.
“Ba ơi xuống chở con về”
“Cô muốn gặp thì phải qua công an xã chứ tôi không cho đến nhà” – anh Hồ Văn Nam trả lời dứt khoát sau khi nhận điện thoại của người lạ. Giọng người đàn ông cứng rắn xen lẫn bất an. Dường như không ai có thể chạm vào gia đình anh thêm lần nào nữa. Bởi, nỗi đau xót chuyện con gái vẫn còn đó.
Sau khi về nhà, tối hôm ấy, cha con Hồ Văn Tâm qua nhà gặp Nam, cha của Hồ Thị Phi. “Cháu với Phi làm ở quán karaoke, bị nhốt, bị đánh. Vì Phi còn ở lại nên họ chỉ cho một mình cháu về. Chú đi cứu Phi về đi”. Hồ Văn Nam điêu đứng.
Bước vào lớp 10 được hai tuần, Hồ Thị Phi bỏ học đi làm thuê. Mặc cho ba mẹ ra sức ngăn cản, Phi xuống phố kiếm việc làm. Qua người quen, Phi phục vụ quán cà phê ven sông Vệ, huyện Tư Nghĩa. Mấy tháng dư ít tiền, Phi về núi ăn Tết. Mươi ngày Tết, Phi cũng kịp rủ rê Linh xuống phố tìm việc. Sau hai tháng phụ bán cà phê, nhờ người quen, Linh và Phi chuyển sang quán karaoke Hoàng Gia. Chuỗi ngày khiếp đảm cũng bắt đầu.
Sau vài ngày thử việc, chủ quán bắt ký hợp đồng với quy định lương mỗi tháng 5 triệu đồng, nghỉ việc phải đền 15 triệu. Những ngày đầu vào quán, cái lo sợ của Linh, Phi vơi dần khi các chị em ở đây động viên, khích lệ. Lương cao, được đối đãi tốt là điều hy vọng của hai cô gái trẻ mong ước như các chị đi trước. Nhốt cùng phòng tám nữ tiếp viên, bị thu điện thoại, không được ra khỏi quán, thay phiên tiếp khách… là những việc cô gái trẻ phải làm sau khi ký hợp đồng.
“Tụi cháu không ký hợp đồng thì bị đánh, bị tát. Đau quá nên cũng ký. Ở rồi mới thấy mấy chị em ai cũng bị đánh miết. Tát tai, nắm đấm giộng vào mặt, vào cổ, vai là bình thường. Em mới vô bị đánh ít hơn, các chị cũ bị đánh nặng hơn. Thấy cứ bị đánh, hành hạ bất cứ lúc nào nên em khiếp sợ” – Hồ Thị Linh chực khóc.
Sau những lời kể của Linh, anh Hồ Văn Nam bàng hoàng khi con gái rơi vào bẫy người. Tìm cách liên lạc con gái, cầu cứu chính quyền địa phương, công an, anh Hồ Văn Nam được sự hỗ trợ từ nhiều hướng.
“Ba ơi xuống chở con về. Mình nghe con gái điện thoại mà vừa mừng vừa khóc. Nó được giải thoát ra khỏi chỗ nguy hiểm đó” – anh Hồ Văn Nam chua xót.
Chiếc xe gắn máy cũ của gia đình từ trên thôn Kà Tinh cùng anh Nam vượt chặng đường gần 70 km đón con gái. Hai cha con quay về núi rừng giữa bao xót xa, đắng cay. Nước mắt của những người cha chảy dài.
Nỗi lo bi kịch lặp lại
Chỉ trong thời gian ngắn, Công an tỉnh Quảng Ngãi triệt phá hai cơ sở kinh doanh karaoke, giải cứu hàng chục thiếu nữ, trẻ vị thành niên bị nhốt, ép tiếp khách, bán dâm quán karaoke.
Từ sự cầu cứu của anh Hồ Văn Nam, sáng 12-4, Công an tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Công an huyện Tư Nghĩa giải cứu tám thiếu nữ bị nhốt trong quán karaoke Hoàng Gia (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa). Lực lượng công an phát hiện quán karaoke Hoàng Gia do Phạm Ngọc Tiên (27 tuổi, ngụ xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) quản lý, điều hành cùng đàn em quản lý các tiếp viên nữ. Các nạn nhân thường xuyên bị Tiên và đàn em đánh đập, tra tấn bằng nhục hình như lột đồ châm điện, chặt ngón tay, uy hiếp tinh thần khiến các cô gái cam chịu. Từng làm cơ sở karaoke ở Bình Dương, đầu năm 2021, Phạm Ngọc Tiên đưa sáu thiếu nữ về Quảng Ngãi và tuyển thêm nhiều thiếu nữ các huyện vùng cao Quảng Ngãi để phục vụ quán.
Trước đó, nghe lời dụ dỗ, năm thiếu nữ về làm thuê cho nhóm Lữ Anh Tính (27 tuổi) và Trần Anh Vũ (30 tuổi), cùng ngụ xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức. Công việc chính là phục vụ karaoke nhưng các nạn nhân thường xuyên bị đe doạ, ức hiếp nên tìm cách bỏ trốn. Nhóm Lữ Anh Tính tìm cách truy tìm, bắt giữ đưa các nạn nhân về phục vụ karaoke. Sau nhiều lần tìm kiếm, năm thiếu nữ (bốn em dưới 16 tuổi) đã được lực lượng công an hỗ trợ thoát nạn. Vụ việc đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Những năm gần đây, thiếu nữ miền cao mong ước về xuôi tìm việc, thoát cái nghèo của núi rừng. Từ đó, cũng nhiều nỗi bất an hơn cho người già, người lớn non cao. Linh kể “Khi bị bắt lại các chị trong quán mới nói cảm ơn cháu. Nhờ cháu mà được các chú công an hỗ trợ ra khỏi quán an toàn. Ngày nào cũng thấy đánh với hành hạ. Ở lại có ngày cũng chết, trốn cũng chết. Nếu không thoát được cháu cũng tiếp tục trốn”.
Mắt to, tròn, da ngăm đen, Hồ Thị Phi mang vẻ đẹp đặc biệt miền sơn cước. Sau bao ngày trong ám ảnh, Phi vẫn cười tươi khi hỏi chuyện vui, đổi sắc mặt khi nhớ chuyện buồn. Nét thơ ngây, hồn nhiên pha chút trẻ con còn nguyên trên khuôn mặt cô bé tròn 16 tuổi. Hình như Phi chưa thấu hết nỗi đau chính mình trải qua. Chỉ có tiếng thở dài của ba làm Phi lặng thinh đôi lúc.
Hai nhà đối diện nhau. Góc sân bên này anh Hồ Văn Nam ngồi lặng lẽ. Góc hè bên kia anh Hồ Văn Tâm âm thầm ngẫm nỗi buồn. Thỉnh thoảng, hai người cha nhìn sang để chia sớt xót xa.
“Làm gì thì cũng chừa tụi nhỏ ra. Nó còn con nít, còn nhỏ dại lắm”, ông Hồ Văn Nam ngậm ngùi.
(Tên các nạn nhân đã được thay đổi)