Qua kiểm tra, người đàn ông này có nồng độ cồn trong máu rất cao, điều khiển xe ô-tô trong tình trạng say xỉn. Đáng nói, vụ tai nạn xảy ra khi người lái xe vừa rời khỏi bữa tiệc chỉ cách khoảng 1 km.
Vụ việc nghiêm trọng này đã được cơ quan chức năng khởi tố để điều tra về tội “vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự. Điều khiến không ít người bàng hoàng là những hình ảnh khủng khiếp đó chỉ diễn ra trong mấy giây nhưng đã để lại những hậu quả quá đau lòng.
Là nơi có mật độ dân số cao, đời sống sôi động, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các địa phương có mức độ sử dụng bia, rượu rất lớn. Nghiên cứu của nhóm chuyên gia cho thấy, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nam giới sử dụng rượu, bia chiếm 80%, còn nữ giới là 22%, trong đó, 13% nam giới uống rượu, bia mỗi ngày; người sử dụng bia, rượu cũng đang ngày càng “trẻ hóa”. Rượu, bia cũng là nguyên nhân làm giảm năng suất, gia tăng tai nạn lao động, thất nghiệp, bạo lực, tệ nạn xã hội, tội phạm,…
Với những động thái mạnh tay hơn đối với lái xe sau khi uống rượu, bia, các lực lượng chức năng đã liên tiếp ra quân kiểm tra, xử lý trên các tuyến đường.
Để giảm tác hại của bia, rượu đối với xã hội nói chung, những người lái xe nói riêng, thành phố cần tiếp tục triển khai đến các đơn vị, đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền tác hại của bia, rượu.
Công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn cần được quan tâm và thực hiện xuyên suốt; tổ chức mạng lưới tuần tra kiểm soát liên hoàn, tránh trường hợp người lái xe gây tai nạn; thực hiện tốt công tác phối hợp các lực lượng kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an.
Các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, khu dân cư cũng cần có những giải pháp tuyên truyền, lan tỏa để cán bộ, công chức, người dân, học sinh, sinh viên ý thức được tác hại của bia, rượu; sử dụng thức uống này một cách có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và xã hội.