Một trong những nguyên nhân gây ngập nước ở thành phố là tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi. Trong số hơn 10 nghìn tấn rác thải ra mỗi ngày, lượng rác do người dân bỏ không đúng nơi quy định không hề nhỏ. Thực tế cho thấy, ở nhiều khu dân cư (cả khu phố văn hóa), con đường, dù có cả biển cấm đổ rác, rác thải vẫn bị xả tràn lan, có những đống rác tồn tại cả tháng vẫn không được dọn dẹp. Ở những vùng ngoại thành, khu vực bỏ hoang, nơi thưa dân cư, lượng rác thải vô chủ cũng không hề hiếm gặp. Ngay cả một số con đường ở các khu vực trung tâm thành phố, những bịch rác thải vẫn "bỗng nhiên xuất hiện" và nằm lăn lóc nhiều ngày liền trên vỉa hè, gốc cây. Thực trạng này cho thấy, ý thức của không ít người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường còn thấp, chưa quan tâm môi trường sống nơi công cộng, tảng lờ những cam kết và khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng lối sống văn minh.
Trong khi đó, công tác xử phạt hành vi xả rác bừa bãi, đổ trộm rác thải vẫn còn nhiều hạn chế. Số vụ xử phạt nhỏ hơn nhiều so với số vụ vi phạm thực tế. Trong năm 2019, UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố đã nhắc nhở hàng trăm trường hợp xả rác ra nơi công cộng và xử phạt hàng nghìn trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo thừa nhận của lãnh đạo các cơ quan chức năng liên quan, số lượng trường hợp xả rác không đúng nơi quy định bị xử phạt chỉ là "phần nổi", còn có nhiều địa phương bỏ lọt rất nhiều hành vi xả rác ra môi trường không đúng nơi quy định, có nơi còn không xử phạt trường hợp nào. Ðiều này cho thấy cán bộ cấp huyện, xã còn lơ là việc xử phạt các trường hợp vi phạm về rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Ý thức của người dân lẫn tình hình xả rác bừa bãi chậm cải thiện còn do các quy định xử phạt về bảo vệ môi trường vẫn còn bất cập. Lực lượng kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính tại UBND cấp xã trung bình chỉ một người và phải kiêm nhiệm nhiều việc, khó bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm cũng chưa thống nhất, có chênh lệch lớn giữa các nghị định liên quan; lại áp dụng có cân nhắc đối với người có thu nhập thấp… cho nên tính răn đe chưa cao.
Để có thể quản lý và kiểm soát những hành vi xả rác thải không đúng nơi quy định, trước hết, các cơ quan chức năng, địa phương, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; trang bị đầy đủ thùng rác công cộng, nhà vệ sinh công cộng cho người dân. Cùng với đó, có chính sách, giải pháp hợp lý để đưa lực lượng thu gom rác dân lập đi vào nền nếp, quy củ, hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho phép "phạt nguội" hành vi xả rác thải tùy tiện, cho phép trích xuất dữ liệu từ hệ thống ca-mê-ra an ninh ở các khu dân cư, các tuyến đường để làm chứng cứ xử phạt các trường hợp xả rác nơi công cộng. Ðồng thời, nên có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị thông minh để chụp hình, quay phim nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và báo cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tổng hợp các hạn chế, vướng mắc trong các quy định về xử phạt hành vi xả rác thải ra môi trường để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ sửa đổi lại các nghị định liên quan theo hướng thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế.