Xử lý nghiêm hành vi thao túng thị trường chứng khoán

Hiện nay, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét tại trụ sở Tập đoàn FLC.
Lực lượng Cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét tại trụ sở Tập đoàn FLC.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thực hiện trót lọt việc thao túng thị trường chứng khoán, các đối tượng thường sử dụng nhiều tài khoản để liên tục thực hiện các giao dịch mua bán, có những mã cổ phiếu giao dịch khối lượng lớn nhằm tạo cung cầu giả tạo. Những nhà đầu tư mới tham gia, ít kinh nghiệm về chứng khoán có thể là nạn nhân mà các đối tượng hướng đến.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Bình Minh (42 tuổi, ở Hà Nội) cùng 6 đồng phạm về tội thao túng thị trường.

Cụ thể, từ tháng 5 đến 10/2023, nhóm đối tượng do Minh cầm đầu đã câu kết, lôi kéo nhiều người đặt lệnh mua bán chứng khoán với mã cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam, gây ảnh hưởng đến cung cầu và giá chứng khoán.

Để thực hiện hành vi phạm tội, Minh cùng đồng phạm đã lập các hội nhóm trên Zalo, Telegram để hô hào, đưa ra ý kiến với các nhà đầu tư về giao dịch nhiều mã cổ phiếu, trong đó có mã CMS nhóm đối tượng nắm giữ. Khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, các đối tượng này đã bán ra số lượng lớn cổ phiếu để thu lời bất chính, khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề.

Qua tìm hiểu, một số vụ án liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong thời gian qua cho thấy các đối tượng thường chủ động thành lập các hội nhóm trên mạng xã hội để kêu gọi đầu tư mua một số mã cổ phiếu với mục đích thao túng và gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán, trong đó có các nhà đầu tư chân chính.

Chiêu trò phổ biến là những người này thường sử dụng những câu từ kích động, hô hào để "lùa gà" là các nhà đầu tư mới. Thậm chí, dụ dỗ, hướng nhà đầu tư mua những mã cổ phiếu phục vụ ý đồ "bẫy chứng khoán" và "thổi" giá khi cần. Các đối tượng trong vai trò trưởng nhóm, phó nhóm sẽ đưa ra hàng loạt cam kết bồi thường lớn, thậm chí bồi thường đến 2 tỷ đồng nếu cổ phiếu tư vấn nhà đầu tư mua không sinh lời. Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, các đối tượng dùng thủ đoạn "phù phép" hoặc sử dụng thủ thuật nghiệp vụ kế toán và tài chính, để tự "tăng vốn" cho doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, không gian mạng (KGM) hiện là môi trường lý tưởng để tội phạm lĩnh vực này "trú ngụ" và hoạt động. Các đối tượng thường sử dụng tính năng ẩn danh trên mạng xã hội để trao đổi thông tin về chứng khoán. Hơn nữa, việc sử dụng hội nhóm kín cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thâm nhập, theo dõi và điều tra các đối tượng có hành vi vi phạm.

Theo Khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán và Khoản 2 Điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì các hành vi thao túng thị trường chứng khoán gồm: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán…

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán trong nước mặc dù đã đạt được những thành tựu, nhưng công tác quản lý nhà nước vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc; cụ thể: Các quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán chưa rõ ràng, còn mang tính định tính. Đối tượng, chủ thể của vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này thường là những người hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực tài chính, chứng khoán, công nghệ thông tin và có quan hệ xã hội sâu rộng cho nên phương thức thủ đoạn phạm tội thường rất tinh vi, xảo quyệt.

Công tác xác định hậu quả, thiệt hại trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực chứng khoán còn gặp nhiều khó khăn, do số lượng tài khoản chứng khoán giao dịch lớn. Nhận thức về vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm nói riêng trong lĩnh vực chứng khoán còn rất mới mẻ. Phần lớn các nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc cán bộ các cơ quan chức năng tham gia giải quyết vụ việc xảy ra trong lĩnh vực này còn hạn chế về kinh nghiệm, gây khó khăn trong công tác phối hợp điều tra…

Để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm chứng khoán, nhất là tội phạm thao túng thị trường chứng khoán, các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực chứng khoán; trong đó, tăng cường các chế tài xử phạt, nhất là tăng mức phạt tiền, xử lý hình sự và gia tăng các hình thức xử phạt bổ sung nếu tiếp tục vi phạm.

Quan tâm đầu tư về nguồn nhân lực, là các cơ quan chức năng, các cán bộ chủ chốt tham gia hoạt động đấu tranh với những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, thường xuyên với các cơ quan chủ thể, Bộ Tài chính, các công ty chứng khoán; hoặc phối kết hợp với các chuyên gia tài chính có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này nhằm hỗ trợ cho công tác điều tra truy vết.

Thực hiện công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực tài chính chứng khoán, đến các nhà đầu tư trực tiếp tham gia thị trường về những hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng và lâu dài nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền lợi, củng cố và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.