Xử lý nghiêm hành vi đăng hình ảnh phản cảm lên mạng

Trong quá trình các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng do đối tượng Lê Quốc Tuấn (Tuấn "khỉ") gây ra trên địa bàn huyện Củ Chi vừa qua, nhiều người dân đã bất chấp các cảnh báo, cố gắng tiếp cận hiện trường để quay phim, chụp hình đăng lên mạng. Hành vi vi phạm pháp luật này tạo ra không ít những hệ lụy về sau…

Người dân hiếu kỳ đứng xem, quay phim, chụp hình hiện trường vụ án liên quan Tuấn "khỉ".
Người dân hiếu kỳ đứng xem, quay phim, chụp hình hiện trường vụ án liên quan Tuấn "khỉ".

Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, vụ án nêu trên xảy ra từ chiều 29-1 (mồng 5 Tết) cho đến khi các cơ quan chức năng tiêu diệt đối tượng vào tối 13-2. Trong khoảng thời gian này, nhiều người dân, nhất là các cá nhân chuyên làm clíp đăng trên YouTube luôn "túc trực" tại hiện trường. Ở những địa điểm có mặt các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ phá án đều có mặt của rất nhiều người dân. Trong đó, nhiều người cầm điện thoại để phát hình ảnh lên mạng xã hội; nhiều người đứng dẫn tại hiện trường để làm clíp đăng lên YouTube. Trước đó, không ít người đã đổ về nơi hàng trăm cảnh sát vây ráp, truy bắt Tuấn "khỉ" khi đối tượng này bị tình nghi lẩn trốn, trong khu vực đầy nguy hiểm để tranh nhau ghi hình, livestream dù cảnh sát đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn để đám đông giải tán nhằm bảo đảm an toàn, tránh ảnh hưởng đến quá trình truy bắt. Ðây không phải là sự việc cá biệt, mà từ nhiều năm nay, với sự bùng nổ của các trang mạng, sự tiện dụng của các phương tiện, không ít người dân đã có hành vi quay, phát trực tiếp những hình ảnh mang tính chất kích động, dung tục, thông tin bí mật lên mạng xã hội. Ðiều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng.

Chủ tịch UBND xã Trung An, huyện Củ Chi Lê Trí Dũng cho biết, khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã phải vất vả ngăn cản những người dân hiếu kỳ đến tụ tập, quay phim tại khu vực phong tỏa bắt nghi phạm Tuấn "khỉ". Các cơ quan chức năng đã vận động, yêu cầu người dân rời khỏi khu vực phong tỏa, tuy nhiên những người này vẫn tụ tập thành từng nhóm dọc các tuyến đường khu vực xã Trung An. Ðể công tác phá án được diễn ra thuận lợi, tránh gây mất trật tự, có những thời điểm UBND xã Trung An đã quyết định kiểm tra hành chính, lập biên bản cam kết và lấy thông tin của những người tụ tập trên đường. Thậm chí có những người ở các địa phương khác như Ðồng Nai, Tây Ninh cũng chạy xe đến để quay phim, chụp hình đăng lên mạng. Theo tìm hiểu, có những kênh YouTube đã đăng hàng chục clíp chỉ sau một tuần lễ khi vụ việc xảy ra nhằm mục đích kiếm lượt "like" của người xem. Thậm chí, sau khi đối tượng Tuấn "khỉ" bị các lực lượng chức năng tiêu diệt, nhiều người còn tìm đến tận nhà để quay phim chụp hình. Dù người nhà của đối tượng Tuấn "khỉ" đã nhiều lần có ý kiến nhưng đám đông vẫn tiếp tục "bao vây" để thực hiện hành vi trái quy định, vi phạm quyền tự do riêng tư của gia đình, gây ảnh hưởng an ninh trật tự trong khu vực.

Nhằm tránh những tình huống này lặp lại trong các sự việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có hành vi trái quy định. Ðiều 38 Bộ luật Dân sự quy định: Ðời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Như vậy, hành vi dùng máy quay phim người thân, gia đình nhà đối tượng Tuấn "khỉ" của nhiều người được xem là vi phạm pháp luật. Người nhà có thể liên hệ với các cơ quan chức năng để yêu cầu các biện pháp bảo vệ. Hành vi hiếu kỳ hoặc có mục đích, ý đồ cá nhân khác mà xâm phạm vào hiện trường vụ án hình sự, gây xáo trộn hiện trường, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể là hành vi quay phim và phát trực tiếp lên mạng, bình luận các thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng thì những người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 3, Ðiều 64, Nghị định 174/2013/NÐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến với mức phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Ðối với trường hợp người vi phạm không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng mà có hành vi cản trở thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Ðiều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, đối với người dân khi xem các clíp, nếu không đồng tình với những hình ảnh, bình luận có thể báo cáo "xấu" cho YouTube để nền tảng này xem xét tắt nội dung hoặc nặng hơn thì xóa quyền tài khoản của các cá nhân đưa thông tin, hình ảnh sai lệch so với bản chất của vụ việc.