Nguyên nhân để tín dụng “đen” có thể tồn tại đó chính là do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng “đen” lại quá dễ dàng. Người có nhu cầu vay vốn chỉ cần có các giấy tờ như chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, sổ hộ khẩu và một số loại giấy tờ tùy thân có giá trị khác là có thể vay được tiền trong thời gian rất ngắn. Người vay tiền biết rõ mức lãi suất cao, khả năng hoàn trả không dễ dàng, song do cần gấp và thủ tục đơn giản, dễ dàng cho nên đã ký vào các hợp đồng vay tiền.
Anh Nguyễn Hoàng Trung, quê Lương Sơn, Hòa Bình dành dụm mãi mới mua trả góp được một căn hộ chung cư nhỏ ở gần Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), vừa dọn về ở sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đến tháng 7, dịch bệnh bùng phát. Doanh nghiệp đóng cửa và cắt giảm nhân lực theo quy định của chính quyền. Khi đó, thu nhập của hai vợ chồng giảm hơn một nửa, tiền ăn, tiền học của con, tiền chi trả khoản nợ cho ngân hàng chỉ trông chờ vào khoản thu nhập này. Đúng lúc đó, gia đình lại có người nhà bị bệnh, nhưng không còn đủ tiền. Không thể vay mượn đâu do ai cũng khó khăn và ngân hàng không thể cho vay thêm cho nên hai vợ chồng “vay nóng” 20 triệu đồng lo việc gia đình, dự tính chỉ mượn trong vòng một tháng sẽ xoay xở để trả. Chỉ cần trình ra chứng minh thư nhân dân là anh Trung đã có thể vay tiền ngay sau 15 phút. Theo thỏa thuận, mỗi ngày anh phải trả lãi 150.000 đồng cho chủ nợ. Trả được 15 ngày thì không đủ tiền để tiếp tục trả, mà cứ chậm một ngày phải đóng phạt 300.000 đồng. Đến lúc này, chủ nợ liên tục đe dọa, chửi bới. Do lo sợ, hai vợ chồng đành vội vã gán cả hai chiếc xe máy dồn đủ số tiền thanh toán cho chủ nợ để mong thoát khỏi.
Không những vậy, việc cho vay nặng lãi đã biến tướng không chỉ cần giấy tờ mà hiện nay còn sử dụng hình ảnh, clip nhạy cảm, cách vay này sẽ lấy được số tiền nhiều hơn. Đây là một thủ đoạn mới và đặc biệt tinh vi của các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực tín dụng “đen” nhằm khống chế con nợ, ép trả lãi suất cao. Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố điều tra hai nhóm với bốn bị can về tội danh “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Đó là nhóm của cặp vợ chồng Nguyễn Thị Vân Anh (sinh năm 1992), Đào Quốc Huy (sinh năm 1992), cùng trú tại phường Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội và nhóm đối tượng Bùi Ngọc Thủy (sinh năm 1984) trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Khương Thị Tuyến (sinh năm 1992) trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Đặc biệt, cả hai nhóm này đều có phương thức cho gái mại dâm vay lãi nặng và bắt thế chấp bằng ảnh “nóng”, clip nhạy cảm của họ để dễ dàng khống chế. Nếu người vay không trả nợ hoặc trả lãi suất không đúng hạn sẽ bị đe dọa, đăng hình ảnh nhạy cảm này lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè, người thân hoặc in các tờ rơi rải ở khu dân cư để gây áp lực buộc người vay trả tiền.
Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, tội phạm hình sự nói chung có xu hướng giảm, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm hoạt động tín dụng “đen” có chiều hướng phức tạp, gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất, mức độ hoạt động của các đối tượng sau khi hết các đợt giãn cách xã hội. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 66 vụ liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, trong đó đã khởi tố 25 vụ, 88 bị can. Đáng chú ý, có 41 vụ liên quan đến đổ chất bẩn, chất thải.
Luật sư Bùi Đình Bản (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc các đối tượng cho vay tiền với lãi suất hơn 100%/năm, đồng thời yêu cầu người vay tiền thế chấp tài khoản điện thoại, ảnh và clip nhạy cảm để uy hiếp tinh thần khi cần là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác... Còn theo Ðiều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người nào mà cho vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể căn cứ mục đích, hành vi của chủ nợ khi yêu cầu người vay tiền phải thế chấp các ảnh, clip... nhạy cảm của mình; thậm chí đe dọa phát tán lên mạng xã hội nếu không trả tiền để xem xét xử phạt bổ sung về mặt dân sự hoặc hình sự theo quy định của pháp luật.
Để ngăn chặn, ngoài việc vào cuộc của các cơ quan công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền những tác hại của vay vốn không chính thức tới người dân. Đặc biệt là những gia đình, người dân bị chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh; chủ động phát hiện, tố giác tội phạm cho cơ quan công an để xử lý nghiêm những hành vi chào mời quảng cáo của các tổ chức, cá nhân cho vay tín dụng “đen”. Bên cạnh đó, các ngân hàng, các công ty tài chính cũng cần có các nguồn vốn vay phong phú và giảm bớt các thủ tục thế chấp để người dân dễ dàng tiếp cận, có thể người dân sẽ hạn chế tìm đến tín dụng “đen”, dẫn tới những hệ quả đáng tiếc, gây bức xúc trong dư luận.