Chiều 22/8, nhận được tố giác từ quần chúng nhân dân, Công an huyện Chợ Mới (An Giang) đã đến kiểm tra tại khu đất trống thuộc xã Mỹ Hội Ðông và phát hiện, bắt quả tang 12 người tụ tập đánh bạc ăn tiền. Cơ quan chức năng xác định, ngoài việc bị xử lý về hành vi đánh bạc, các đối tượng còn bị xử phạt hành chính vì vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng ngày, tại chốt kiểm soát dịch bệnh đường cao tốc Trung Lương - TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ, xử lý một vụ vận chuyển người trái phép, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe và bốn người ngồi trên ô-tô không xuất trình được giấy tờ cần thiết để lưu thông trên đường. Cả năm người đều bị lập biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 7,5 triệu đồng/người; yêu cầu lái xe cho phương tiện quay về nơi xuất phát. Tại Hà Nội, từ 11 giờ ngày 20/8 đến 11 giờ ngày 21/8, Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 Công an thành phố phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt các hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch 462 trường hợp. Trong đó, không đeo khẩu trang nơi công cộng có 51 trường hợp. Hành vi vi phạm khác như: không thực hiện biện pháp cách ly; tập trung đông người; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách... là 411 trường hợp.
Có thể thấy, thời gian qua, khi nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch Covid-19 thì xuất hiện không ít trường hợp vi phạm quy định về giãn cách xã hội. Theo Chỉ thị 16/CT-TTg và Công văn hướng dẫn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu những nội dung cơ bản trong thực hiện giãn cách như: Người dân ở nhà, hạn chế ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, cấp cứu, khám, chữa bệnh…; không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; người đứng đầu các cơ sở sản xuất, nhà máy, cơ sở xây dựng, giáo dục… chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch… Theo Khoản 3, Ðiều 12, Nghị định 117/2020/NÐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì khi địa phương áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết bị phạt tiền đến ba triệu đồng; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người.
Ngoài Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương, nhiều tỉnh, thành phố cũng có các biện pháp chống dịch khác. Tại Ðà Nẵng, ngày 30/7, thành phố đã ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 2/8, Sở Tư pháp thành phố có văn bản hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 05. Theo đó, hành vi ra ngoài khi không thuộc các trường hợp cho phép quy định tại Chỉ thị 05 sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng; tụ tập quá hai người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; che giấu, không khai báo y tế, khai báo không kịp thời hoặc khai báo gian dối, không trung thực hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc Covid-19, làm lây lan dịch bệnh bị phạt với số tiền tương tự.
Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, ngày 22/8, thành phố có Chỉ thị 11/CT-UBND về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, thực hiện "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu thì ở đó"; thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội; tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…
Có thể thấy, giãn cách xã hội là biện pháp hết sức quan trọng trong việc hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu không áp dụng biện pháp này, số lượng người nhiễm bệnh sẽ tăng nhanh, đến lúc đó hệ thống y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị cho những người nhiễm bệnh, nhất là khi cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế ở nhiều nơi đang hạn chế. Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương còn lơ là, mất cảnh giác, một vài nơi còn thiếu sự kiểm tra, giám sát; một bộ phận người dân chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội. Ðể giãn cách xã hội đạt hiệu quả, về phía các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và nắm được ý nghĩa của việc giãn cách xã hội, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Với mỗi người dân, để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.