Xử lý ngay sai phạm trong dồn điền đổi thửa tại Chương Mỹ

Dồn điền đổi thửa là để nâng cao hiệu quả canh tác, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, chủ trương này đang bị một số cá nhân lợi dụng để giao đất một cách tùy tiện, trong khi nhiều người dân vẫn "ngóng" quyền lợi chính đáng của mình.

Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Vương Danh Quang (bên trái) trao đổi thông tin về công tác dồn điền đổi thửa.
Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Vương Danh Quang (bên trái) trao đổi thông tin về công tác dồn điền đổi thửa.

Theo phản ánh của các hộ dân ở thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), dù công tác dồn điền đổi thửa tại địa phương được thực hiện từ gần mười năm trước, nhưng hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân chưa nhận đủ ruộng để sản xuất.

Giao đất tùy tiện

Ông Nguyễn Văn Tỉnh ở cụm 1, thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu cho biết, gia đình ông có mười nhân khẩu được chia đất ruộng theo Nghị định 64 (mỗi khẩu được chia 312 m2 đất trồng lúa). Thực hiện theo chủ trương của xã Phụng Châu và thôn Phượng Nghĩa, gia đình ông Tỉnh đã đồng ý việc dồn điền đổi thửa. "Ðến năm 2019, gia đình tôi được chia ruộng, nhưng thôn mới trả đất của tám khẩu, còn thiếu 624 m2 đất của hai khẩu đến nay vẫn chưa nhận được. Năm 2019, khi phát hiện gia đình bị chia thiếu diện tích đất ruộng, tôi đã kiến nghị lên Trưởng Tiểu ban dồn điền đổi thửa của thôn cùng lãnh đạo xã Phụng Châu, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết", ông Nguyễn Văn Tỉnh bức xúc.

Ông Lê Văn Thái, cụm 7, thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu cho hay, gia đình ông có chín khẩu thì đến nay, đất lúa được chia theo Nghị định 64 đã nhận đủ, nhưng đất phần trăm (đất sản xuất chia thêm cho các lao động chính trong mỗi gia đình, mỗi khẩu được 60 m2) thì còn thiếu mất hai suất. Ông Lê Văn Thái cho biết: "Tôi đã nhiều lần kiến nghị đến Tiểu ban dồn điền đổi thửa thôn Phượng Nghĩa nhưng không được giải đáp".

Không chỉ vậy, theo phản ánh của người dân xã Phụng Châu, hầu hết những thửa ruộng đẹp, nằm dọc các trục đường chính của xã đều được chia cho gia đình lãnh đạo xã và Tiểu ban dồn điền đổi thửa. Theo quy định, việc chia ruộng sau dồn điền đổi thửa phải thực hiện bằng việc cho các hộ bốc thăm vị trí, nhưng thôn Phượng Nghĩa lại giao toàn bộ việc này cho Tiểu ban dồn điền đổi thửa. 

Theo đó, Tiểu ban này tự quyết định việc giao ruộng ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu cho người dân trên tinh thần thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở thôn Phượng Nghĩa lại cho biết, họ không hề được hỏi ý kiến mà "bị" giao ruộng. Tại bản đồ dải thửa mà người dân cung cấp, nhiều vị trí đất đẹp, mặt đường to đã được giao cho các cán bộ trong Tiểu ban dồn điền đổi thửa của thôn, còn các vị trí xấu, phía bên trong thì giao cho người dân. Thậm chí, khi đất trả cho các hộ dân trên địa bàn xã vẫn còn thiếu (hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân chưa nhận đủ ruộng để sản xuất), thì bỗng nhiên lại có một số hộ dân không biết ở đâu lại được chia đất.

Ông Nguyễn Kim Huân, nguyên Trưởng thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu cho hay, theo quy định về dồn điền đổi thửa thì sau khi thu hết ruộng của các hộ dân, thì Tiểu ban dồn điền đổi thửa sẽ tổ chức cho các hộ dân bốc thăm vị trí một cách công khai. Tuy vậy, Tiểu ban dồn điền đổi thửa của thôn Phượng Nghĩa đã bỏ qua, mà tự ý chia ruộng cho người dân.

Cần sớm giải quyết dứt điểm

Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Vương Danh Quang cho hay, xã thực hiện dồn điền đổi thửa từ năm 2012-2013. Theo đó, trên địa bàn xã có năm thôn thì bốn thôn thực hiện dồn điền đổi thửa, gồm thôn Long Châu Miếu, thôn Long Châu Sơn, thôn Phượng Bản và thôn Phượng Nghĩa. Nhưng đến nay, tại tất cả các thôn vẫn còn tồn tại hàng chục hộ chưa được giao ruộng đất để sản xuất, trong đó thôn Phượng Nghĩa còn nhiều nhất là 144 hộ.

Về những bất cập trong dồn điền đổi thửa khiến người dân bức xúc, ông Quang lý giải, các Tiểu ban này đã họp với người dân, người dân cũng đồng thuận không bốc thăm vị trí mà nhận ruộng theo thỏa thuận. Nhưng, khi phóng viên đề cập đến biên bản họp với nhân dân, cùng với ý kiến đồng thuận của người dân thì lãnh đạo xã Phụng Châu nói, sẽ cung cấp sau vì hồ sơ chưa báo cáo về xã. Vậy nếu không tổ chức bốc thăm vị trí thì Tiểu ban căn cứ vào cơ sở nào để giao ruộng đất cho người dân cho công bằng? Ông Quang cho biết, khi tiến hành giao ruộng thì giao theo tiêu chí, có mảnh gần, mảnh xa, có mảnh đẹp, mảnh xấu… Nhưng khi phóng viên nêu việc các thửa ruộng có vị trí thuận lợi, bám hai mặt đường lớn đều được phân cho thân nhân các thành viên trong Tiểu ban, còn người dân thì lại nhận những mảnh ruộng ở xa, vị trí xấu thì ông Quang cho biết, chưa nhận được báo cáo cũng như sơ đồ giao ruộng của thôn, nên chưa nắm được. Ðây cũng là lý do được ông Quang đưa ra khi nhiều trường hợp dù trước đó không có đất ruộng nhưng sau dồn điền đổi thửa lại bỗng nhiên được phân chia đất. Theo Chủ tịch UBND xã Phụng Châu, các Tiểu ban dồn điền đổi thửa của các thôn đều được thành lập vào năm 2012, mỗi Tiểu ban gồm 20 người, đến nay, nhân sự các Tiểu ban đều có sự thay đổi, xáo trộn. Bởi vậy, hồ sơ tài liệu về dồn điền đổi thửa khi nào Tiểu ban báo cáo, nộp về thì xã mới nắm rõ được.

Tuy vậy, theo tìm hiểu, Tiểu ban dồn điền đổi thửa ở các thôn được thành lập trên cơ sở quyết định của UBND xã Phụng Châu. Tiểu ban này có trách nhiệm giúp việc cho UBND xã trong việc dồn điền đổi thửa, phối hợp cùng đơn vị tư vấn lên phương án dồn điền đổi thửa. Phương án của từng thôn trình lên được UBND xã xem xét, quyết định, căn cứ vào quyết định này Tiểu ban ở các thôn tiến hành giao đất cho nhân dân. Như vậy, những bất cập trong việc dồn điền đổi thửa ở Phụng Châu, cụ thể là thôn Phượng Nghĩa được dồn hết lên Tiểu ban dồn điền đổi thửa liệu có đúng? 

Sai phạm đã rõ, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ sớm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại trong dồn điền đổi thửa tại xã Phụng Châu để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.