Xoay xở tìm đầu ra
Vận hành sản xuất từ tháng 1-2014, đến tháng 4-2015, dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi (Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung BSR-BF) đã phải dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất. Ðược vận hành lại hai đợt vào tháng 10-2018 và tháng 4-2019, sản xuất an toàn, ổn định 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng, nhưng do tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn nguyên liệu cao, đối tác đã không thực hiện được kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm 2019 và dừng hợp tác, nhà máy phải tiếp tục đóng cửa cho đến nay. Hiện, nhà máy đã nghiệm thu 35 trong tổng số 36 hạng mục công trình ngoại trừ hệ thống xử lý nước thải và cơ hội lại một lần nữa đến với BSR-BF khi công ty có một đối tác nước ngoài đang đàm phán gia công và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Giám đốc BSR-BF Phạm Văn Vượng cho biết, thời gian đàm phán khả năng còn kéo dài, nhưng khi họ đồng ý, chắc chắn sẽ có những cam kết bền chặt, lâu dài. Nếu thành công, BSR-BF chỉ cần tìm đối tác cung cấp nguyên liệu là có thể đi ngay vào vận hành (gia công thuê), đồng thời tranh thủ nghiệm thu và quyết toán toàn bộ dự án.
Theo Ðề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương (Ðề án 1468), hiện BSR-BF đang được xử lý theo phương án cho khởi động, vận hành lại nhà máy trước khi các đơn vị của PVN chuyển nhượng hoặc thoái vốn khỏi dự án. Khi nhà máy không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, sẽ rất khó tìm được nhà đầu tư, nếu bán máy móc chỉ ngang giá sắt vụn. Do đó, để thoái vốn hiệu quả, quan trọng nhất là phải đưa nhà máy vận hành trở lại và sinh lời càng nhiều càng tốt. Công ty cũng đã lên kế hoạch để nhà máy sau này vận hành hiệu quả. Cụ thể, trước thực tế giá nguyên liệu sắn trong nước cao hơn nhiều so giá ngô nhập khẩu (nguyên nhân chính khiến sản phẩm của công ty không cạnh tranh được với cồn nhập khẩu từ Mỹ, Bra-xin), BSR-BF đã cùng các đối tác nghiên cứu chuyển hóa dây chuyền sang sử dụng ngô biến đổi gien nhập khẩu từ Mỹ để linh động trong sản xuất. Theo tính toán, việc cải hoán dây chuyền sản xuất không khó, chi phí ít tốn kém và dù chỉ hoạt động được 60% công suất thiết kế (trong trường hợp không xây thêm bể ủ) cũng vẫn hiệu quả hơn nhiều so việc sử dụng sắn trong nước. Hiện, BSR-BF chỉ sản xuất ra cồn nhiên liệu đốt, có giá trị thấp nhất trong các sản phẩm cồn, trong khi chỉ cần vốn đầu tư thấp và thay đổi nhỏ trong dây chuyền, nhà máy có thể sản xuất ngay được sản phẩm cồn công nghiệp, cồn y tế có giá trị cao hơn hẳn. Ưu tiên lúc này là cần vận hành lại nhà máy, sau đó sẽ tìm đối tác gia công để đầu tư vì khoản này không nhiều, lại đã có sẵn nhà bao tiêu sản phẩm. Một nguyên nhân chủ yếu trước đây khiến nhà máy hoạt động thua lỗ, phải dừng sản xuất là lộ trình sử dụng xăng sinh học E5, E10 chậm hơn nhiều so kế hoạch, khiến nhà máy không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Ông Vượng kiến nghị, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng xăng sinh học trong nước đã tăng lên nhiều, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai lộ trình sử dụng xăng sinh học E5, E10 cộng thêm các chính sách về giá hợp lý (tăng giãn cách so xăng thông thường). Bên cạnh đó, để nhà máy có thể chạy lại khả thi, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng hỗ trợ vốn vay, giảm lãi suất vay vốn, tái cấu trúc theo đề án Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém tại một số dự án, DN kém hiệu quả ngành Công thương đã phê duyệt.
Nói về khả năng phục hồi sản xuất của Nhà máy Sơ xợi Ðình Vũ (VNPOLY), Tổng Giám đốc Trần Huy Thư khẳng định, máy móc thiết bị của nhà máy được đầu tư và xây lắp đáp ứng tốt mọi tiêu chuẩn G7 hay EU. Chất lượng sản phẩm của nhà máy cũng được bạn hàng khắp thế giới công nhận, hiện đã xuất đi nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (chiếm 60% công suất nhà máy) và tương lai tiếp tục sẽ hướng tới các thị trường Nam Mỹ như Mê-hi-cô và Bra-xin. Ðể thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, không được cấp thêm vốn nhà nước cho các dự án, DN cũng đã tìm được đối tác sẵn sàng đầu tư, cung cấp vốn, nguyên phụ liệu và thậm chí giúp bao tiêu một phần sản lượng để nhà máy hoạt động trở lại. Ðiều cần thiết duy nhất lúc này là Nhà nước cần bảo vệ DN có được "sân chơi" thật sự công bằng. Thực tế, từ khi VNPOLY ngừng hoạt động, thiếu đi 30% nguồn cung xơ sợi ra thị trường, hàng của các nước ngay lập tức tràn ngập thị trường trong nước. Ngay cả khi đang hoạt động, VNPOLY đã phải luôn cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc với giá thấp hơn nhiều, thậm chí thấp hơn cả giá thành sản xuất. Thí dụ thời điểm hiện nay, mặt hàng sợi của Trung Quốc bán đến tận tay khách hàng chỉ bằng 75% giá thành sản xuất của VNPOLY, trong đó có những lô hàng sản phẩm sợi bán ra còn rẻ hơn giá nguyên liệu (giá nguyên liệu đầu vào 0,8 USD/kg, thành phẩm bán ra chỉ 0,6 USD). Ðiều phi lý này thể hiện trên nhiều hóa đơn, có thể đã phát sinh hiện tượng gian lận thương mại. Và nếu tiếp tục như vậy, VNPOLY ngày càng khó cạnh tranh.
Cần cái nhìn thiện cảm hơn
Riêng dự án Nhà máy Thép Việt - Trung (VTM), dù vẫn hoạt động ổn định và có lợi nhuận, nhưng thực tế tình trạng thiếu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chi phí tài chính cao hiện vẫn là những khó khăn "bủa vây" DN. Theo báo cáo của VTM, đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty hơn 1.325 tỷ đồng, tổng tài sản 8.051 tỷ đồng, song tổng nợ phải trả là 6.725 tỷ đồng; trong đó, nợ ngân hàng 3.667 tỷ đồng, nợ các nhà cung cấp 1.846 tỷ đồng, nợ ngân sách nhà nước 957 tỷ đồng. Ðiều này dẫn đến khả năng VTM sẽ không được gia hạn giấy phép khai thác mỏ Quý Xa (hết hạn vào tháng 12-2020), trong khi vẫn chưa khai thác hết 34,5 triệu tấn quặng sắt đã được cấp phép (hiện trữ lượng còn khoảng 11 triệu tấn). Việc tiêu thụ quặng sắt cũng chưa thể thực hiện được do các vướng mắc về thủ tục vì phải chờ Thủ tướng phê duyệt. Nguồn tiền thu được từ bán hàng rất hạn chế, trong khi VTM vẫn phải thực hiện việc trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng để giữ nguyên nhóm nợ nếu không muốn bị đưa vào nhóm nợ xấu. Vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn phải "giật gấu vá vai" nên đến nay VTM cũng chưa có nguồn tài chính dư dả để đầu tư tiếp dây chuyền cán thép theo đúng mục tiêu ban đầu của dự án, trở thành khu liên hợp khép kín. Không đa dạng hóa, sản phẩm làm ra mới ở dạng phôi thép bán thành phẩm cho nên giá trị không cao. Dự án cũng đang thiếu nhiều hạng mục phụ trợ và các hệ thống thu hồi năng lượng để tận dụng gia nhiệt cho phôi, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Trong bối cảnh đó, nhà máy rất có khả năng sẽ phải dừng hoạt động do không có nguyên liệu đầu vào, mất cân đối tài chính.
Theo Chủ tịch HÐQT Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) Nghiêm Xuân Ða, dự án Nhà máy Thép Việt - Trung được đánh giá vẫn có khả năng mang lại hiệu quả. Nếu càng kéo dài thời gian xử lý thì Nhà nước (cụ thể là Vnsteel) càng mất vốn. Tuy nhiên, với phương thức xử lý như hiện nay, rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra tại Ðề án 1468. Các giải pháp đã sáng rõ, nhưng khi triển khai rất vướng, không khả thi. Vnsteel đã triển khai quyết liệt, bám theo nguyên tắc của Ðề án 1468 là xử lý theo cơ chế thị trường và Nhà nước không cấp vốn, bảo đảm vốn nhà nước tại DN. Tuy nhiên, xác suất để bảo đảm thực hiện đúng các nguyên tắc là điều không khả thi, khó đáp ứng, dẫn đến các đơn vị, cá nhân trực tiếp xử lý chần chừ, chỉ dám đưa ra kiến nghị chung chung và chờ ý kiến của cơ quan quản lý cấp trên quyết định. Vì vậy, tập thể lãnh đạo Vnsteel cũng như VTM đều mong muốn Ban Chỉ đạo thay đổi mục tiêu, thay vì đưa ra yêu cầu phải bảo toàn vốn nhà nước tại DN thì có thể chấp nhận thực hiện theo mục tiêu giảm thiểu tối đa tổn thất tại dự án, chọn mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án là chủ đạo trong quá trình xử lý. Dự án vẫn đang tạo việc làm cho 1.600 lao động, hằng năm đóng góp 10 đến 13% tổng thu ngân sách của tỉnh Lào Cai, bảo đảm giao dịch thường xuyên bình quân mỗi năm 5.000 đến 6.000 tỷ đồng với hàng trăm đối tác, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực huyện Bảo Thắng và Văn Bàn. Theo đó, hướng xử lý bền vững hiện nay là Vnsteel chấp nhận giảm tỷ lệ cổ phần để cho các nhà đầu tư am hiểu về ngành thép, có tiềm lực tài chính tham gia góp vốn vào dự án nhằm bổ sung nguồn tài chính cho hoạt động sản xuất để giảm phụ thuộc vào vốn vay và vốn chiếm dụng của các nhà cung cấp. Bởi chỉ có "tiền tươi thóc thật" để triển khai tiếp dây chuyền cán thép cũng như hoàn thiện các công trình phụ trợ, tái cơ cấu quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm mới mong có thể vực dậy dự án cũng như phát triển VTM trong thời gian tới. Chủ đầu tư là Vnsteel có thể "thua thiệt" trong quá trình xử lý, tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, lợi ích kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của dự án mang lại về tổng thể sẽ tốt hơn. Khi Nhà nước, chủ đầu tư, ngân hàng, các bên liên quan, địa phương cùng chia sẻ khó khăn với nhau mới mong xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại của dự án này.
Việc tìm kiếm nguồn lực tài chính hiện nay đối với các dự án, DN yếu kém của ngành công thương rất khó khăn, nhất là phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, lãnh đạo một số đơn vị khẳng định, nếu có chính sách hợp lý, cùng sự vào cuộc tích cực của các bên liên quan trong việc hỗ trợ, tổ chức, hướng dẫn thực thi chính sách đặc thù cho từng dự án thì khả năng tìm kiếm nguồn lực ngoài Nhà nước là khả thi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, từng bước giảm dần lỗ lũy kế. Ðiều đáng lưu ý là tiến độ và trình tự để có được sự trợ giúp này quá chậm và dường như một số nơi vẫn chưa xóa bỏ được tâm lý tìm sự an toàn, "không làm thì không sai, không phải chịu trách nhiệm".
Hiện, dư nợ của 12 dự án thua lỗ tại các tổ chức tín dụng lớn nhưng đa số không trả được nợ đúng hạn. Có 17 ngân hàng thương mại và một công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm ngày 31-12-2019 lên tới gần 21 nghìn tỷ đồng, trong đó, dư nợ trung - dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn 3.769 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư liên quan 22.964 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam cấp tín dụng cho sáu dự án là 9.796 tỷ đồng. (Nguồn: Bộ Công thương) |
(Còn nữa)