Ðể xảy ra tình trạng này chủ yếu do các lực lượng thực thi nhiệm vụ ở một số nơi chưa làm hết trách nhiệm. Ðây là một trong những vấn đề được hết sức quan tâm tại phiên chất vấn của HÐND thành phố Hà Nội. Nhiều đại biểu đã yêu cầu lãnh đạo thành phố tập trung chỉ đạo các quận, huyện rà soát lại các vi phạm, đề ra thời hạn giải quyết, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết vấn đề này.
Tại phiên chất vấn của HÐND thành phố Hà Nội ngày 8-12, nhiều đại biểu đã truy trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Ðại biểu Nguyễn Kim Dung (huyện Gia Lâm) đặt câu hỏi đối với Trưởng Công an huyện Sóc Sơn về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Cà Lồ, địa bàn xã Xuân Thu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân và có hay không tình trạng bảo kê? Ðại biểu Dương Thị Hằng (huyện Gia Lâm) nêu câu hỏi về trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã Xuân Ðình và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ về tình trạng khai thác cát trái phép? Còn đại biểu Trần Thị Vân Hoa (quận Tây Hồ) chất vấn Chủ tịch UBND và Trưởng Công an huyện Ðan Phượng về tình trạng "cát tặc" tại sáu xã ven sông Hồng, đề nghị cho biết nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch UBND xã Xuân Ðình (huyện Phúc Thọ) cho biết, tài nguyên cát mang lại nguồn lợi rất lớn cho nên thường xuyên bị các đối tượng tìm cách khai thác. Tình trạng khai thác cát trái phép khiến người dân bức xúc, xã cũng rất áp lực, nhưng địa phương thiếu nhân lực, phương tiện chuyên dụng để ngăn chặn. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn nêu rõ thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng tình hình còn phức tạp. Năm 2018, huyện đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng bắt chín vụ, chín đối tượng, phạt 775 triệu đồng, trong đó có một vụ xử lý hình sự. Năm 2019, xử lý sáu vụ, bảy đối tượng, thu giữ các phương tiện. Năm 2020, xử lý bốn vụ, bốn đối tượng, xử phạt 65 triệu đồng. Huyện cũng chủ động phối hợp các địa bàn lân cận để quản lý khai thác cát trên lòng sông Hồng. Nhờ đó, tình trạng khai thác trái phép ngang nhiên vào ban ngày đã chấm dứt, song vẫn tái diễn vào ban đêm. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ đề xuất Sở Nội vụ tham mưu xác định mốc giới trên lòng sông giữa địa bàn huyện Phúc Thọ với hai xã của tỉnh Vĩnh Phúc để thuận tiện cho công tác quản lý; Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ phê duyệt giá khởi điểm đấu giá khai thác để tăng cường công tác quản lý.
Trưởng Công an huyện Ðan Phượng Nguyễn Văn Khanh cho biết, từ năm 2018 đến nay lực lượng chức năng đã bắt giữ 42 đối tượng vi phạm, trong đó khởi tố hai đối tượng. Riêng năm 2020 đã xử lý bảy vụ với bảy đối tượng, xử phạt gần 200 triệu đồng. Khai thác cát trái phép như một tệ nạn, nhưng xử lý gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân nhu cầu cát sỏi xây dựng của người dân rất cao, bến bãi hạn chế. Làm rõ thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép thuộc về chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã, trưởng công an huyện. Ðể hạn chế tình trạng này, huyện đề nghị thành phố, các sở, ngành sớm xem xét giao đất, cấp phép cho các đơn vị được khai thác cát theo quy hoạch để địa phương quản lý.
Làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2020/NÐ-CP ngày 24-2-2020 về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định. Thành phố thực hiện khoanh vùng, phân loại vi phạm, vừa bảo đảm ổn định cho doanh nghiệp, người dân, vừa xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời giao trách nhiệm cho công an cương quyết xử lý việc khai thác cát trái phép, không có việc bảo kê tình trạng này.
Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HÐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, việc khai thác cát, sỏi lòng sông vẫn diễn biến phức tạp, do các lực lượng thực thi nhiệm vụ ở một số nơi chưa làm hết trách nhiệm. Ðể khắc phục các yếu kém trong việc quản lý khai thác cát, sỏi, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 23/2020/NÐ-CP của Chính phủ, thành phố cần rà soát lại các quyết định phân nhiệm cho rõ hơn, có chế tài xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm; rà soát lại các quy hoạch để có sự điều chỉnh, bổ sung những điểm chưa hợp lý... Giao các quận, huyện rà soát lại các vi phạm, phân loại và đề ra thời hạn giải quyết, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn vẫn còn 13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép, làm thất thoát tài nguyên và thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Ðiển hình là tại tuyến sông Hồng đoạn chảy qua các xã Cẩm Ðình, Phương Ðộ, Vân Nam, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, tình trạng khai thác cát trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm, dẫn tới hàng nghìn mét kè Cẩm Ðình bị sạt trượt. Tại địa bàn xã Phú Châu, huyện Ba Vì, nhiều tàu cuốc, tàu hút khai thác cát trái phép ngang nhiên giữa ban ngày. Có lúc hàng loạt tàu cuốc, tàu hút kéo nhau về đây khai thác cát khiến cả khúc sông bị náo động mà không hề có lực lượng chức năng ngăn cản. Ngoài ra, tình trạng này cũng diễn ra tại xã Thạch Ðà, huyện Mê Linh; tại địa bàn huyện Sóc Sơn, nhất là khu vực giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn với huyện Ðông Anh, hoặc khu vực giáp ranh các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh...