Xử lý dứt điểm gói thầu thiết bị ở Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại

Trước yêu cầu trung tu, sửa chữa hệ thống UPS khối 5 của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, từ tháng 3-2015, Công ty cổ phần Nhiệt điện (CTNÐ) Phả Lại đã tổ chức đấu thầu hạng mục này.

Thiết bị UPS đang được thử nghiệm tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.
Thiết bị UPS đang được thử nghiệm tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại.

Kết quả, tháng 8-2016, Liên danh nhà thầu (LDNT) gồm Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Hoàng Hải - Công ty TNHH Kỹ thuật điện - Tự động hóa A&E (Hoàng Hải - A&E) đã trúng gói thầu này. Mặc dù đã giao hàng đến chân công trình theo đúng hợp đồng từ tháng 4-2017, nhưng suốt từ đó đến nay, chủ đầu tư không nghiệm thu thiết bị khiến LDNT bị thiệt hại.

“Nhùng nhằng” không nghiệm thu

Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, ngày 6-3-2015, CTNÐ Phả Lại thông báo mời thầu gói thầu cung cấp thiết bị lắp đặt hệ thống UPS khối 5 - kế hoạch sửa chữa lớn năm 2014; đóng thầu ngày 30-3-2015. Sau hơn 180 ngày sửa đổi hồ sơ mời thầu và 240 ngày chấm xét thầu (tính từ 30-3-2015 đến 16-8-2016), LDNT Hoàng Hải - A&E được xét trúng thầu. Ngày 8-9-2016, các bên đã ký Hợp đồng số 4939/HÐ-PPC “Trung tu hệ thống UPS khối 5 - Kế hoạch sửa chữa lớn năm 2014 Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại”. Ngày 13-4-2017, LDNT đã giao hàng đến chân công trình. Ngày 20-4-2017, Hội đồng nghiệm thu kỹ thuật (HÐNTKT) CTNÐ Phả Lại đã cho mở hòm kiểm tra thiết bị lần thứ nhất (sau khi mở hòm kiểm tra thiết bị, HÐNTKT yêu cầu nhà thầu giải trình một số nội dung mà họ cho là có sự sai khác) và đó cũng là bắt đầu một hành trình gần chín tháng, LDNT không được CTNÐ Phả Lại nghiệm thu.

Ông Nguyễn Ðình Hoàng, Giám đốc Công ty Hoàng Hải, đại diện LDNT Hoàng Hải - A&E cho biết, hàng hóa của nhà thầu cung cấp bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, đầy đủ các yếu tố kỹ thuật tin cậy và là hệ thống UPS được cung cấp mới nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm giao hàng. LDNT đã cung cấp hàng hóa đúng hợp đồng đã ký kết. Cụ thể: đúng về số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng, công suất làm việc, chất lượng bảo đảm mới 100%, sản xuất cuối năm 2016 đầu năm 2017, có đầy đủ chứng nhận xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), tờ khai hải quan, tài liệu kỹ thuật kèm theo chứng minh sự hợp lệ của hàng hóa. Các nội dung này đã được thể hiện đầy đủ trong biên bản mở hòm kiểm tra thiết bị ngày 20-4-2017, biên bản mở hòm kiểm tra thiết bị ngày 26-7-2017 và biên bản nghiệm thu kỹ thuật tại chân công trình ngày 21-9-2017.

Trong nội dung của biên bản nghiệm thu kỹ thuật tại chân công trình là không đồng ý nhận các mục 1, 2, 3, 4 hàng hóa của LDNT với lý do: Có hai thông số kỹ thuật bị đánh giá không đúng hợp đồng (không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật). Thứ nhất, dòng điện đầu vào sử dụng cho thiết bị nhà thầu cung cấp thấp hơn so với dòng điện đầu vào của thiết bị đang sử dụng của hồ sơ mời thầu (thiết bị tiêu thụ năng lượng ít hơn hoàn toàn có lợi cho chủ đầu tư). Thứ hai, bộ chuyển mạch đi tắt bằng tay mà CTNÐ Phả Lại đang sử dụng công tắc chuyển mạch dạng núm vặn 0, 1, 2, 3, 4 (drum switch), nhưng nhà thầu lại cung cấp công tắc chuyển mạch là áp-tô-mát riêng biệt cho bốn vị trí (hồ sơ mời thầu và hợp đồng chỉ yêu cầu cung cấp công tắc chuyển mạch tiếp trước cắt sau bốn vị trí chứ không quy định theo kiểu nào). HÐNTKT kết luận là không đúng kiểu như trước đây sử dụng và đánh giá không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, trên thực tế, thiết bị chuyển mạch bypass dạng núm vặn đã được các hãng UPS lớn trên thế giới thay thế bằng tổ hợp chuyển mạch với liên động điện bảo đảm an toàn vận hành và thiết bị này được lắp trong hệ thống UPS mới mà nhà thầu đã cung cấp.

Mặc dù đã được hãng sản xuất, LDNT giải trình cặn kẽ nhưng sau hơn năm tháng (tính từ ngày hàng hóa về đến chân công trình và ngày có biên bản nghiệm thu) HÐNTKT đã kết luận: “Hàng hóa nhà thầu cung cấp không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật” và không tiếp nhận số hàng hóa nhà thầu đã bàn giao, dù sản phẩm đó thuộc nhóm G7 (Anh) tiết kiệm năng lượng, an toàn hơn trong công tác vận hành. Thậm chí, HÐNTKT còn “bắt lỗi” cả sự khác nhau giữa trọng lượng thiết bị ghi trên bao bì vận chuyển với trọng lượng ghi trên tài liệu kỹ thuật, so chữ trên bảng tên thiết bị (Name plate) để nhà thầu và hãng sản xuất phải thay bảng khác. Ðến thời điểm này, sau gần chín tháng từ khi giao hàng, hai bên mới thống nhất phương án và tiến hành thử nghiệm (quá trình này cũng mất tới 72 ngày). Theo đó, hai bên đã mời Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện Miền Bắc làm thí nghiệm để xác định lại các thông số trên thiết bị phù hợp yêu cầu hay không.

Giải quyết dứt điểm, khách quan vụ việc

Ðể làm rõ vụ việc, chúng tôi đã làm việc với Tổng Giám đốc CTNÐ Phả Lại Phạm Văn Thư và được biết, đoàn thanh kiểm tra của Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) vừa đến công ty để xác minh các vấn đề chung quanh gói thầu này. Về phía công ty có quy trình rõ ràng về kiểm tra, chạy thử, nghiệm thu các thiết bị của nhà thầu một cách minh bạch. Trong trường hợp này, HÐNTKT xét thấy có sự khác nhau của một số thông số của thiết bị nhập về so với quy định trong hợp đồng thầu. Những vấn đề này đều được nêu rõ trong các biên bản làm việc giữa CTNÐ Phả Lại và LDNT. Ðể giải quyết dứt điểm vụ việc, hai bên đã thống nhất mời bên thứ ba có tư cách pháp nhân vào thí nghiệm, xác định lại các thông số trên thiết bị đã nhập về công trình.

Hiện Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện Miền Bắc đã bắt đầu thí nghiệm thiết bị. Ông Thư khẳng định, nếu kết quả thử nghiệm này đạt yêu cầu thì CTNÐ Phả Lại sẽ nghiệm thu cho LDNT. Công ty cũng nhất trí được là, các nhà sản xuất thiết bị trên thế giới cũng liên tục đưa ra những hệ thống thiết bị công nghệ mới theo tiêu chuẩn mới và linh hoạt yêu cầu nhà thầu cung cấp thiết bị tương đương hoặc có công nghệ tốt hơn, phù hợp yêu cầu vận hành, không cứng nhắc. Việc bắt buộc nhà thầu mua sắm đúng thiết bị đã sản xuất cách đây nhiều năm là điều không thể.

Cũng theo ông Thư, việc không thống nhất nghiệm thu là do HÐNTKT nhận thấy có sự khác nhau về các thông số kỹ thuật, cho nên không thể bảo đảm những thiết bị này khi đấu nối hệ thống có vận hành an toàn tuyệt đối hay không. LDNT có quyền chào hàng thiết bị tốt hơn, mới hơn, nhưng phải chứng minh phù hợp với hồ sơ mời thầu, nghĩa là tốt hơn về kỹ thuật, phù hợp không gian (để lắp đặt), bảo dưỡng, bảo hành... Có nhiều tình huống, nhà thầu chào những thiết bị mà khi trúng thầu (quá trình đấu thầu, xét thầu, trúng thầu thường mất thời gian dài) thì nhà sản xuất đã thay đổi mẫu mã. Do đó, chủ đầu tư phải linh hoạt, nhưng nhà thầu cũng cần thông báo, giải trình kịp thời để hai bên cùng xem xét.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, do CTNÐ Phả Lại là công ty cổ phần, cho nên EVN không can thiệp sâu vào công việc nội bộ. Thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc EVNGENCO 2 (đơn vị đại diện 51% vốn sở hữu của EVN tại CTNÐ Phả Lại) và CTNÐ Phả Lại. LDNT có quyền khiếu nại khi thấy quyền lợi hợp pháp của mình bị ảnh hưởng và khi đó, EVNGENCO 2 phải có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ vụ việc. Quan điểm của EVN là sự việc phải được giải quyết khẩn trương, khách quan, công tâm; ai sai thì phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc EVNGENCO 2 Trương Hoàng Vũ, khi nhận được đơn khiếu nại, kêu cứu của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Hoàng Hải, Tổng công ty đã thành lập ngay đoàn kiểm tra để đến CTNÐ Phả Lại xác minh vụ việc từ ngày 26 đến 29-12-2017. Chiều 2-1, Tổng công ty đã tổ chức họp gấp để đánh giá sơ bộ kết quả kiểm tra. Ðể có kết luận chính thức thì phải mất vài ngày nữa, nhưng trước mắt, EVNGENCO 2 chỉ đạo CTNÐ Phả Lại tạo điều kiện thuận lợi để các bên hoàn thành công tác thí nghiệm thiết bị; chấp hành nghiêm kết quả thí nghiệm, nếu đạt phải nghiệm thu ngay cho LDNT. Ông Vũ cho rằng, quá trình này phải mất từ bảy đến 10 ngày.

Qua sự việc nêu trên, theo chúng tôi, rõ ràng, một gói thầu thay thế thiết bị có vai trò quan trọng trong vận hành nhà máy nhiệt điện mà kéo dài gần chín tháng không được nghiệm thu, thực hiện, đã và đang gây thiệt hại lớn về phương án tài chính, bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho nhà thầu. Bên cạnh đó, việc chậm trễ trong việc thay thế thiết bị cũ cũng có rủi ro rất lớn cho chính chủ đầu tư (CTNÐ Phả Lại) nếu hệ thống cũ đang vận hành gặp sự cố. Những bất đồng về thông số kỹ thuật lẽ ra phải được giải quyết sớm hơn nếu phía CTNÐ Phả Lại không chậm trễ trong khâu giấy tờ qua lại, gây ức chế cho nhà thầu. Do đó, EVNGENCO 2, CTNÐ Phả Lại cần sớm phối hợp các đơn vị liên quan xem xét, xử lý dứt điểm vụ việc khách quan, công tâm; trong trường hợp nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm khắc.