Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên thịnh hành, nhất là trong nhóm người trẻ, bởi những tiện ích như không cần mang theo tiền mặt, có thể mua sắm khi đi nước ngoài…
0:00 / 0:00
0:00
Cách thanh toán không tiền mặt ngày càng được người dân ưa chuộng.
Cách thanh toán không tiền mặt ngày càng được người dân ưa chuộng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần biết cách sử dụng phương thức này một cách an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc.

Tuyến đường ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1), các quầy hàng ăn uống đều dán mã QR, chấp nhận thanh toán bằng Momo, VN Pay… để khách hàng dễ dàng chọn phương thức thanh toán bên cạnh tiền mặt.

Bạn Nguyễn Hà Đông (22 tuổi, ngụ Quận 3) sau khi ăn chè cùng nhóm bạn đã dùng điện thoại để thanh toán. “Hầu như tôi đều dùng thanh toán không tiền mặt để trả cho các dịch vụ mua sắm, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Phương thức này vừa nhanh gọn, lại không phiền hà khi quán đông, chủ không nhớ mình đã thanh toán hay chưa. Khách còn được giảm giá rất nhiều do tích điểm theo quy định của thẻ….”, Đông cho biết. Ghi nhận tại nhiều siêu thị, lượng người chi trả qua thẻ ngân hàng hoặc ứng dụng khá nhiều.

“Không còn lo đem theo nhiều tiền dễ làm mất, chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc tấm thẻ ngân hàng là mọi chuyện đều xử lý nhanh chóng”, chị Lê Thị Duyên (ngụ quận Tân Bình) nói. Chị Duyên đang sử dụng nhiều loại thẻ ngân hàng như thẻ tín dụng, thẻ ATM và nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến. Để quản lý tốt tài khoản, chị đăng ký nhận thông báo qua email, tin nhắn SMS và thường xuyên vào ứng dụng để kiểm tra thông tin, biến động số dư; khóa thẻ ngay khi không có nhu cầu tiếp tục sử dụng.

Theo chị Duyên, thanh toán không tiền mặt rất thuận tiện vì không phải đem theo tiền mặt, không lo bị móc túi. Tuy nhiên, đôi lúc cũng có một vài sự cố ngoài ý muốn nhưng không vì vậy mà tẩy chay, “nói không” với phương thức thanh toán hiện đại này. Khi mình dùng sản phẩm, đồ vật nào cũng phải quan tâm đến nó, thẻ ngân hàng cũng như vậy, phải kiểm tra thường xuyên để biết có những trục trặc nào và xử lý kịp thời. Mình cũng cần đăng ký trích nợ tự động để không bị trễ hạn. Là “tín đồ” của các loại thẻ ngân hàng, chị Trần Thị Ngọc Phượng (kế toán một công ty xuất, nhập khẩu ở Quận 3) nhìn nhận: Trên thực tế, nếu biết cách sử dụng, khách hàng lợi rất nhiều khi dùng thẻ tín dụng. Dùng thẻ tín dụng có cái lợi là dễ thanh toán không cần tiền mặt và nhất là được ngân hàng cho vay trước, trả sau.

Ngoài ra còn được hưởng ưu đãi, tích điểm, đổi dặm bay, sử dụng phòng chờ... “Dẫu vậy, chúng ta phải luôn cẩn trọng và biết cách dùng thẻ ngân hàng hiệu quả. Cụ thể, chỉ nên mở một thẻ chính và có thể thì thêm một thẻ từ ngân hàng khác để dự phòng thẻ bị trục trặc. Với những người có khả năng tài chính thích thanh toán không tiền mặt thì mở thẻ ghi nợ và chỉ quẹt thẻ xài tiền của chính mình. Hết tiền thì lại nạp thêm từ tài khoản ngân hàng hay tiền mặt. Cách này an toàn hơn thẻ tín dụng”, chị Phượng chia sẻ.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Người có thẻ ngân hàng phải hiểu tất cả những hướng dẫn sử dụng; lập mật khẩu và giữ mật khẩu không để lộ ra ngoài; trả nợ đúng hạn để không bị tính lãi. Quan trọng hơn nữa là phải biết “đo bò làm chuồng”, nghĩa là khi mua món hàng nào đó phải xem mình có đủ khả năng trả nợ hay không. Thông thường ngân hàng dùng chỉ tiêu nợ mỗi tháng chia cho thu nhập của người đó. Tỷ lệ an toàn nhất là 50%. Tỷ lệ này lên càng cao thì càng rủi ro.

Giám đốc Visa Việt Nam và Lào Đặng Tuyết Dung nhận định: Xu hướng chuyển đổi sang thanh toán điện tử hiện đại đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Theo đó, 56% số người Việt Nam được khảo sát cho biết, ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Theo bà Dung, cứ năm người, thì ít nhất bốn người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ví điện tử thường xuyên, phương thức mua trước, trả sau cũng ngày càng phổ biến rộng rãi.

Khi dùng bất kỳ sản phẩm nào của ngân hàng, khách hàng nên hỏi rõ những chính sách liên quan đến thẻ tín dụng, hạn mức, số ngày miễn lãi, cách tính miễn lãi như thế nào; khi chậm trả thì mức lãi suất chính xác là bao nhiêu… bởi mức tính phạt giữa các ngân hàng khác nhau. Chính sách chuyển đổi ngoại tệ khi chi tiêu ở nước ngoài, mỗi ngân hàng cũng khác nhau. “Khách hàng cần tìm hiểu kỹ và chủ động, đừng phụ thuộc vì ngân hàng luôn làm việc rất nghiêm túc nhưng nhân viên bán hàng có thể tùy theo từng mức độ về kiến thức cho nên cách giải thích của họ đôi khi chưa đầy đủ”, bà Dung khuyến cáo.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh cho biết: Thẻ ngân hàng nếu phân loại theo chức năng và bản chất dòng tiền trên tài khoản thì có thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Việc phân biệt này là để nhận thức, có những giải pháp trong thông tin tuyên truyền và tư vấn cho khách hàng của mỗi ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng trong quá trình giao dịch, tư vấn đối với khách hàng.

Theo đó, ngoài việc thông tin tuyên truyền về tiện ích của dịch vụ, ngân hàng cần quan tâm thông tin tuyên truyền và tư vấn cho khách hàng nắm rõ các quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ tài khoản, chủ thẻ nhằm thuận lợi trong việc sử dụng dịch vụ cũng như hạn chế những phát sinh liên quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cần lưu ý khách hàng các nội dung bảo mật thông tin, cung cấp thông tin cho ngân hàng, cũng như các quy định về tài khoản, về duy trì số dư và giao dịch; việc đóng tài khoản phải tuân thủ đúng quy định. Các ngân hàng chỉ tạm khóa, đóng tài khoản khi có yêu cầu của khách hàng (trừ trường hợp chủ tài khoản chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa thanh toán xong các khoản nợ phải trả cho tổ chức cung ứng dịch vụ nơi mở tài khoản).

Ngoài ra, khách hàng cần được thông tin về thời hạn đối với việc đóng tài khoản thanh toán do không duy trì đủ số dư tối thiểu và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài; thời hạn thông báo cho chủ tài khoản trước khi đóng tài khoản thanh toán và các vấn đề cụ thể khác liên quan đến việc đóng tài khoản thanh toán trong trường hợp do tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định và thông báo công khai cho khách hàng. “Tất cả những nội dung này, ngân hàng cần phải thông tin, tư vấn cho khách hàng; theo dõi và đôn đốc khách hàng như một khoản vay.

Mục đích không chỉ giúp khách hàng sử dụng thẻ hiệu quả, hạn chế nợ quá hạn phát sinh và hạn chế những phát sinh, vấn đề liên quan rủi ro trong hoạt động thẻ tín dụng và những phát sinh không đáng có, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, đến thương hiệu thẻ cũng như đối với khách hàng sử dụng thẻ”, ông Lệnh nhấn mạnh. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố cho rằng: Làm tốt việc này không chỉ giúp các ngân hàng thương mại mở rộng và phát triển dịch vụ ngân hàng hiệu quả mà còn giúp khách hàng, người dân sử dụng dịch vụ hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình sử dụng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế càng phát triển theo hướng hiện đại và dịch vụ thẻ ngân hàng ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.