Xu hướng suy yếu bao trùm giá hàng hóa nguyên liệu

NDO - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ áp đảo trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index đóng cửa hôm qua ngày 7/9, tiếp tục suy yếu 0,51% xuống 2.282 điểm. Giá trị giao dịch toàn sở đạt trên 3.000 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Xu hướng suy yếu bao trùm giá hàng hóa nguyên liệu

Nhóm nông sản bất ngờ đảo chiều giảm, là nhóm mặt hàng dẫn dắt xu hướng chung của thị trường trong ngày hôm qua với 7 trên 8 mặt hàng đồng loạt chịu sức ép bán mạnh. Bên cạnh đó, đà giảm của các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng đóng góp quan trọng vào mức suy yếu chung của chỉ số hàng hoá.

Đậu tương rơi về vùng giá thấp nhất trong hai tuần

Kết thúc ngày giao dịch 7/9, ngoại trừ mức tăng nhẹ 0,1% của giá ngô, 6 mặt hàng nông sản còn lại niêm yết trên Sở Chicago đồng loạt ghi nhận các mức giảm giá mạnh.

Giá đậu tương hợp đồng kỳ hạn tháng 11 đóng cửa với mức giá thấp nhất trong hai tuần qua sau khi giảm hơn 1%. Trong bối cảnh triển vọng nguồn cung từ báo cáo Cung-cầu Brazil của Cơ quan Cung ứng mùa vụ (CONAB) khá tích cực, giá đậu tương Chicago còn chịu áp lực giảm mạnh từ nhu cầu tiêu thụ trong phiên hôm qua.

Xu hướng suy yếu bao trùm giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 1

Cụ thể, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc mới đây, nước này đã nhập khẩu 9,36 triệu tấn đậu tương trong tháng 8, giảm 3,8% so với tháng trước nhưng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trên được Tổng cục Hải quan lý giải do lượng hàng bị trì hoãn, phần lớn từ Brazil, đã được thông quan. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Brazil đã tăng do người mua tận dụng mức giá rẻ sau vụ mùa kỷ lục ở quốc gia Nam Mỹ này.

Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định nhập khẩu đậu tương Mỹ có thể sẽ giảm trong những tháng tới. Nguyên nhân chủ yếu do giá cao làm giảm nhu cầu mua hàng của các nhà máy ép dầu Trung Quốc. Có thể thấy, nhu cầu đậu tương Brazil đã tạo áp lực tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu đậu tương Mỹ, theo đó tạo áp lực lên giá đậu tương CBOT.

Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin cơ bản, giá khô đậu hợp đồng kỳ hạn tháng 12 tiếp tục theo sát diễn biến của đậu tương khi kết phiên với mức giảm gần 1%.

Với dầu đậu, đà giảm của mặt hàng này tiếp tiếp tục được mở rộng trong phiên hôm qua. Dầu đậu tương là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của cả nhóm với mức giảm lên tới hơn 2%.

Giá dầu cọ đã ghi nhận phiên suy yếu thứ 4 liên tiếp. Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOB) dự kiến sẽ công bố dữ liệu về ngành công nghiệp dầu cọ của nước này trong tháng 8 vào ngày 11/9 tới. Trước thềm công bố báo cáo, các nhà phân tích dự đoán tồn kho dầu cọ cuối tháng 8 của Malaysia sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng do sản lượng tăng trong khi xuất khẩu suy yếu.

Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về Việt Nam được điều chỉnh giảm. Theo đó, tại cảng Cái Lân, giá chào bán dao động trong khoảng 13.500 - 13.600 đồng/kg đối với các tháng giao hàng kỳ hạn quý IV năm nay. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán thấp hơn, ở khoảng 13.350 - 13.450 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào ngô Nam Mỹ lại được điều chỉnh tăng nhẹ, lên khoảng 6.550 - 6.750 đồng/kg.

Giá cà-phê bất ngờ giảm sâu

Đóng cửa ngày 7/9, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp.

Đáng chú ý, giá hai mặt hàng đường đi ngược xu hướng chung của thị trường và đồng loạt chốt ngày hôm qua trong sắc xanh. Giá đường 11 hồi phục 1,75% sau phiên giảm mạnh trước đó. MXV cho biết lo ngại về nguồn cung, đặc biệt từ Ấn Độ trở lại thị trường, là yếu tố chính thúc đẩy giá đường trong hôm qua.

Xu hướng suy yếu bao trùm giá hàng hóa nguyên liệu ảnh 2

Sản lượng đường tại Ấn Độ trong niên vụ 2023/24 đang là mối quan tâm hàng đầu của thị trường. Đây sẽ là yếu tố quyết định chính phủ nước này có cấm các nhà máy xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10 tới hay không. Hiện tại, hoạt động sản xuất đường tại quốc gia này vẫn chưa ghi nhận tín hiệu tích cực nào.

Ở chiều ngược lại, giá bông ghi nhận mức giảm gần 2% so với tham chiếu, đánh dấu phiên giảm thứ 3 liên tiếp trong tuần. Đồng USD tiếp tục mạnh lên, đã gây sức ép lên lực mua trên thị trường.

Chỉ số Dollar Index tăng 0,19% trong phiên hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD trở nên mạnh hơn và giá bông Mỹ đắt đỏ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chi phí nắm giữ tăng cao đã hạn chế lực mua trên thị trường từ đó khiến giá giảm.

Tâm điểm thu hút quan tâm của nhà đầu tư tiếp tục hướng về thị trường cà-phê. Giá Arabica bất ngờ quay đầu giảm 2,6%, về mức 3.302 USD/tấn. Trong báo cáo ngày 7/9 của Sở ICE-US, tồn kho Arabica đạt chuẩn tính đến hết ngày 6/9 tại cơ quan này ổn định ở mức 467.919 bao loại 60kg. Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường tập trung vào 6.600 bao cà-phê được Brazil vận chuyển đến Sở ICE đang chờ phân loại để bổ sung tồn kho.

Giá Robusta cũng ghi nhận mức giảm mạnh 2% trong phiên hôm qua. Tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU hồi nhẹ từ 34.370 tấn lên 34.980 tấn, kết hợp lực kéo của giá Arabica đã gây sức ép lên giá Robusta.

Cùng chung xu hướng giá thế giới, ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà-phê trong nước cung tiếp tục điều chỉnh giảm, với mức giảm tương đối mạnh 800 đồng/kg. Theo đó, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp trục hạ nhiệt, về mức 64.500 – 65.500 đồng/kg.