Xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh miền núi phía bắc

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng ở các tỉnh miền núi phía bắc. Xu hướng này tạo ra thay đổi trong tư duy sản xuất của nông dân, chuyển biến trong phát triển sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đặc sản quý mang lại giá trị kinh tế cao nhờ canh tác hữu cơ. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá, huyện Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn chế biến trà hoa vàng. (Ảnh HƯƠNG LY)
Nhiều đặc sản quý mang lại giá trị kinh tế cao nhờ canh tác hữu cơ. Trong ảnh: Thành viên Hợp tác xã nông lâm Nghĩa Tá, huyện Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn chế biến trà hoa vàng. (Ảnh HƯƠNG LY)

Tuy nhiên, để thật sự định hình phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, gắn với thị trường tiêu thụ, các địa phương vẫn còn gặp nhiều gian nan.

Hiệu quả từ nông nghiệp hữu cơ

Nhờ tuân thủ quy trình cải tạo đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhật ký sản xuất, cho nên thời gian qua Hợp tác xã Chè Hảo Ðạt ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã có một số khu sản xuất chè được công nhận tiêu chuẩn hữu cơ và hơn 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Ðào Thanh Hảo, khi sản xuất chè hữu cơ, trong khoảng ba năm đầu năng suất giảm 40-50%, nhưng nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, có kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, người dân nhận thức rõ lợi ích của nông nghiệp hữu cơ. Bởi canh tác hữu cơ vừa an toàn cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, vừa giúp giá bán tăng từ 15-20%.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên Vũ Ðức Hảo cho biết: Thái Nguyên đã có 127 ha cây trồng, chủ yếu là cây chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có 65 ha đã được chứng nhận. Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường trong lành, giúp đất "khỏe" khi khắc phục được tình trạng chai cứng, thoái hóa sau nhiều năm lạm dụng sử dụng phân bón hóa học. Từ đó, giúp cây trồng chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Tại Bắc Kạn, tỉnh đã hỗ trợ, lồng ghép các nguồn lực để giúp nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) giai đoạn 2 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam hỗ trợ triển khai tại Bắc Kạn đã giúp nhiều nông dân hình thành và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Năm 2022, Hợp tác xã Nhung Lũy, xã Yến Dương, huyện Ba Bể được Ban Ðiều phối chương trình cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm: Bí thơm trên diện tích 6,23 ha với 38 hộ tham gia; trà bí thơm sản lượng 5 tấn; tinh bột bí thơm sản lượng 1 tấn. Việc được cấp chứng nhận đã giúp tăng giá bán sản phẩm từ 5.000 đồng-30.000 đồng/sản phẩm.

Ðến nay, Bắc Kạn đã có hơn 60 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ; hơn 31 ha được cấp giấy chứng nhận theo quy trình sản xuất hữu cơ. Các mô hình liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ có khoảng 320 ha với các cây trồng, như: chè Shan tuyết, dong riềng, mơ vàng, lúa, nghệ, bí thơm...

Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng đầu tư ngân sách hỗ trợ nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Huyện Hà Quảng đến nay đã xây dựng được sáu mô hình nông nghiệp hữu cơ trong nhà lưới với diện tích hơn 7.000 m2. Từ nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ phát triển thành công thêm năm mô hình nông nghiệp hữu cơ. Các trang trại trồng các loại dưa, cà chua đáp ứng các tiêu chuẩn ngon, sạch đã được thị trường đón nhận, tiêu thụ tốt, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng Phạm Xuân Tùng cho biết, vốn ngân sách chỉ là vốn "mồi", phần lớn kinh phí đầu tư phải do người được hưởng lợi bỏ ra. Ðiều kiện quan trọng nhất là phải có đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm, theo sát, lăn xả, gắn chặt với dân để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các nông hộ quảng bá sản phẩm qua báo chí, mạng xã hội.

Ðến nay, hai trang trại đầu tư xây dựng từ năm 2019 và 2021 đã thu hồi vốn, sinh lời, còn lại bốn trang trại đầu tư từ năm 2022 đang trong quá trình thu hồi vốn. Thời gian tới, Hà Quảng sẽ tiếp tục nghiên cứu nhu cầu thị trường, hỗ trợ các trang trại nông nghiệp hữu cơ đa dạng hóa sản phẩm, hỗ trợ phát triển thêm hệ thống nhà lưới, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản sạch về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nhân rộng diện tích

Mặc dù có những yếu tố bất lợi về địa hình, nhưng các tỉnh miền núi lại có những điều kiện rất tốt về đất đai, không khí, nguồn nước, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Rất nhiều sản vật, cây trồng quý ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng tạo nên giá trị kinh tế cao nhờ chất đất, nguồn nước và khí hậu trong lành. Do đó, nông nghiệp hữu cơ đã được ba tỉnh định hình phát triển với phương châm "đất khỏe, cây trồng khỏe".

Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở ba tỉnh miền núi này vẫn phát triển thiếu đồng bộ, mang tính phong trào. Diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ và được chứng nhận hữu cơ còn ít. Nguyên nhân là do để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ cần trải qua thời gian vài năm cải tạo đất, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chăm sóc cây trồng, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ có giá trị trong ba năm, sau đó phải thực hiện các quy trình từ đầu với chi phí khoảng 50 triệu đồng/ha. Trong khi đó, do khâu liên kết sản xuất, tiếp thị, quảng bá sản phẩm còn yếu, cho nên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng Hoàng Mạnh Ngọc, một người nhiều năm say mê và đạt thành tựu với mô hình nông nghiệp sạch gắn với du lịch đánh giá, kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân địa phương còn thiếu và yếu. Do đó, cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia, cố vấn dày dạn kinh nghiệm thực tiễn làm nhiệm vụ phổ biến kiến thức. Ðồng thời, cần tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn, cung cấp kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Ngoài ra, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hỗ trợ tiêu thụ, giúp các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chỗ đứng vững trên thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà cho biết, từ kinh nghiệm thành công phát triển nông nghiệp hữu cơ ở huyện Hà Quảng, Sở sẽ hướng dẫn các địa phương trong tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Ðể khắc phục hạn chế, Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ðịa phương này phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt đối với các cây trồng chủ lực. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 0,5% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh, tập trung thực hiện đối với chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), chăn nuôi lợn bản địa. Tỉnh sẽ tổ chức từ 15 đến 20 lớp đào tạo, tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và thực hiện từ năm đến mười mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ làm cơ sở bổ sung, xây dựng, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, tỉnh Thái Nguyên ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giống chè mới, phân bón hữu cơ, sinh học, hỗ trợ kinh phí chứng nhận VietGAP, hữu cơ; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị trong sơ chế, chế biến chè; hỗ trợ bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu, kết nối quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6.000 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, 235 ha chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên Trần Nho Hưởng, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách về hỗ trợ sản xuất, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của tỉnh.

Với việc có những nông sản hữu cơ xuất khẩu, tạo nên một số thương hiệu "có tên tuổi", như: chè, miến dong... có thể nói ba tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng và Thái Nguyên đã bước đầu định hình được sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ba tỉnh đang tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các huyện xác định các vùng bảo đảm điều kiện sản xuất hữu cơ theo hướng phát triển tập trung, quy mô hàng hóa. Ðồng thời, ưu tiên sản xuất hữu cơ theo chuỗi liên kết, nhất là kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ■