Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình ở thị trường Việt Nam

NDO - Ngày 7/6, Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) tổ chức diễn đàn với chủ đề "Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình ở thị trường Việt Nam", trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình Việt Nam (Telefilm 2024) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn giả chia sẻ về tiềm năng ngành hoạt hình tại Việt Nam. (Ảnh: Phạm Quyên)
Diễn giả chia sẻ về tiềm năng ngành hoạt hình tại Việt Nam. (Ảnh: Phạm Quyên)

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho biết: Những tiến bộ của công nghệ mới và sự bùng nổ của các nền tảng phát hành trực tuyến đã mở ra những cơ hội mới, đồng thời đặt ra không ít thách thức cho các nhà sản xuất, trong đó có nội dung hoạt hình. Để nắm bắt được những cơ hội này đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, đầu tư bài bản, khả năng thích ứng nhanh chóng và sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong ngành.

"Trong diễn đàn này, chúng ta lắng nghe diễn giả là các chuyên gia hàng đầu, những người có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ về những thách thức cụ thể mà ngành công nghiệp nội dung hoạt hình phải đối mặt, cũng như các chiến lược hiệu quả để vượt qua thách thức và phát triển bền vững”-ông Nguyễn Minh Hồng nói.

Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình ở thị trường Việt Nam ảnh 1

Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Tọa đàm.


Về tiềm năng của ngành hoạt hình, bà Trần Thị Lan Chi, Giám đốc phân phối nội dung Sconnect Việt Nam cung cấp những thông tin, số liệu về xu hướng phát triển của hoạt hình quốc tế và Việt Nam trong những năm gần đây. Ngành hoạt hình được đánh giá, dự báo khá lạc quan.

Theo trang MarketResearch.biz, năm 2023 thị trường ngành hoạt hình đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ với tổng doanh thu trị giá 412,96 tỷ USD và ước tính sẽ tăng lên 779 tỷ USD vào năm 2032. Riêng hoạt hình 3D ước đạt 47 tỷ USD vào năm 2030.

Mới đây nhất, phim hoạt hình “Doraemon: Nobita và bản giao hưởng địa cầu” vừa vượt mốc 110 tỉ đồng, thiết lập kỷ lục của phim hoạt hình chiếu tạp tại Việt Nam, cho thấy chỗ đứng vững chắc và sức hút mạnh mẽ của anime (hoạt hình Nhật Bản) đối với công chúng Việt Nam. Mùa hè cũng là mùa bom tấn hoạt hình Nhật, Mỹ “đổ bộ” các rạp chiếu toàn quốc, với một số tựa phim được quảng bá rầm rộ như “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”, “The Garfield Movie: Mèo béo siêu quậy”, “Inside Out 2: Những mảnh ghép cảm xúc 2”...

Theo Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam Tạ Mạnh Hoàng: “Hiện nay nước ta có khoảng 200 công ty, studio lớn nhỏ có thể tham gia hoạt động sản xuất phim hoạt hình ở các mức độ khác nhau. Năng lực sản xuất hoạt hình đạt những thành tựu đáng kể, từ đảm nhiệm khâu gia công cho các studio quốc tế lớn cho đến tự xây dựng và phát triển thương hiệu”. Song doanh thu trăm tỉ đối với hoạt hình Việt Nam chiếu rạp vẫn là ước mơ khá xa vời, bởi 3 thách thức lớn: Một là kinh phí đầu tư rất lớn, không kém so với các phim điện ảnh người đóng; Hai là về nhân sự, có quá nhiều đội ngũ sản xuất nhiều khâu của phim hoạt hình, nên phải phối hợp ăn ý mới có sản phẩm tốt; Ba là phim hoạt hình Việt Nam chưa có thương hiệu có thể gây sốt về doanh thu như phim nước ngoài.

Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình ở thị trường Việt Nam ảnh 2

Diễn giả Tạ Mạnh Hoàng trình bày tham luận. (Ảnh: Phạm Quyên)

Tuy vậy, với sự hỗ trợ của các công nghệ sản xuất phim hoạt hình tiên tiến, cùng các dịch vụ phát trực tuyến trên nền tảng xuyên biên giới đã thay đổi cách thức tiếp cận và thưởng thức nội dung của người dùng, mở ra cơ hội cho cả các nhà sản xuất hoạt hình. “Người xem đang có xu hướng xem các nội dung hoạt hình trên nền tảng trực tuyến, tăng 45% lượng tiêu thụ nội dung trong những năm gần đây. Đồng thời, ngành sản xuất nội dung hoạt hình có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với những nội dung thông thường…”, diễn giả Lan Chi khẳng định.

Thời kỳ “nở rộ” của hoạt hình Việt đánh dấu bằng sự ra đời của ngày càng nhiều doanh nghiệp sáng tạo và các sản phẩm chất lượng đang dần chinh phục khán giả thế giới. Nổi bật trong bức tranh lớn là series hoạt hình chú sói nhỏ Wolfoo thu hút sự yêu thích và quan tâm của hàng trăm triệu trẻ em thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Wolfoo được mệnh danh là chú sói “tỉ view” với hơn 4.000 tập phim ngắn phát sóng trên YouTube, bình quân 4 tỉ view/tháng, 3 nút kim cương trên YouTube, được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ.

Các diễn giả cũng tập trung phân tích, thảo luận về nội dung hoạt hình thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo bùng nổ. Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình sản xuất hoạt hình đang cách mạng hóa ngành công nghiệp sáng tạo này. Các thuật toán được hỗ trợ bởi AI có thể giúp đẩy nhanh và hiệu quả việc sản xuất hoạt hình bằng cách lặp đi lặp lại các công việc như tạo khung xương cho nhân vật và biểu cảm khuôn mặt. Các thuật toán của AI cũng cho phép diễn hoạt ảnh thích ứng và phát triển dựa trên tương tác của người dùng, khiến chúng trở nên có tính tương tác và cá nhân hóa hơn.

Trong tương lai, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ cung cấp cho các nhà làm phim hoạt hình vô số lựa chọn để đa dạng hóa công việc và tham gia vào môi trường năng động của ngành. Công nghệ VR và AR đang phá bỏ rào cản giữa người xem và thế giới hoạt hình, mở ra những khả năng mới trong việc kể chuyện và thu hút khán giả.

Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình ở thị trường Việt Nam ảnh 3

Sản xuất, phân phối phim hoạt hình và các sản phẩm liên quan là lĩnh vực được quan tâm tại Triển lãm Telefilm 2024. (Ảnh: Phạm Quyên)

Hoạt hình ngày nay còn phản ánh sự đa dạng văn hóa và phong phú về nội dung, từ những câu chuyện giáo dục cho trẻ nhỏ đến những tác phẩm mang tính triết lý sâu sắc dành cho người lớn. Sự thay đổi này không chỉ tạo nên những trải nghiệm phong phú hơn cho khán giả mà còn thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng của các nhà làm phim. Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng phim hoạt hình phải đồng hành với các nhãn hàng, tạo ra một hệ sinh thái xung quanh thì mới phát triển bền vững được. Cũng như các thương hiệu hoạt hình nổi tiếng thế giới, để đi đường dài, hoạt hình Việt Nam đang chủ trương phát triển các IP – intellectual property (sản phẩm trí tuệ được pháp luật bảo vệ) ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã thảo luận chia sẻ về thách thức trong sản xuất nội dung và cách thức xây dựng chiến lược nội dung tại thị trường Việt Nam của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và hoạt hình đã mở ra những góc nhìn mới mẻ về ngành công nghiệp văn hóa trị giá hàng tỉ đô này. Sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm từ các đơn vị phân phối và thu mua nội dung trên thế giới, giải quyết được nhiều khó khăn vướng mắc cho những nhà làm phim cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh nội dung trên các nền tảng phát hành.

Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) thành lập tháng 12/2022, trực thuộc Hội truyền thông số Việt Nam. Đến nay DCCA đã kết nạp 51 hội viên trong nước và quốc tế. Năm 2024, DCCA đặt mục tiêu tiếp tục phát triển đạt 100 hội viên mới nhằm củng cố và nâng cao giá trị của ngành sáng tạo nội dung số tại Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển bền vững thông qua việc tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, DCCA sẽ tổ chức Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024.