Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân bằng VNĐ phát sinh mới của các ngân hàng thương mại vào khoảng 9,07%/năm. Tuy nhiên, với các khoản vay cũ, thực tế không ít khách hàng cá nhân vay mua ô-tô, nhà ở,… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến 12%-14%/năm. Mức lãi suất này trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã và đang tạo áp lực tài chính lớn cho người vay.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất
Ghi nhận trên thị trường, đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, từ ngày 1/6, ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,3-0,8 điểm phần trăm. Đây là lần thứ năm kể từ đầu năm 2023, TPBank công bố giảm lãi suất cho vay với tổng chi phí lãi vay mà khách hàng được hỗ trợ ước tính lên tới 323 tỷ đồng.
Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, khi lãi suất điều hành giảm thì chi phí vốn cũng hạ, từ đó các ngân hàng có cơ hội giảm đáng kể lãi suất cho vay. Vì vậy, ngay sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhất là sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại vừa qua, TPBank đã có những động thái hạ lãi suất đáng chú ý. Cụ thể, đối với các khoản vay hiện hữu, TPBank lên phương án thực hiện giảm từ 0,2-1 điểm phần trăm lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh.
Ngay sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhất là sau cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại vừa qua, TPBank đã có những động thái hạ lãi suất đáng chú ý. Cụ thể, đối với các khoản vay hiện hữu, TPBank lên phương án thực hiện giảm từ 0,2-1 điểm phần trăm lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh.
Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng
Ước tính đến cuối năm, TPBank sẽ giảm khoảng 122 tỷ đồng tiền lãi. Cùng với đó, khách hàng của TPBank cũng được áp dụng đồng thời cả chương trình giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu khác với mức giảm từ 0,3-0,5 phần trăm trong vòng ba tháng. Chương trình này áp dụng cho các khách hàng cá nhân có lịch sử trả nợ tốt, khách hàng tiềm năng và sử dụng đa dạng dịch vụ của TPBank hiện đang có khoản vay với lãi suất cao từ 14%/năm trở lên.
Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm nợ này ước tính hơn 155.000 tỷ đồng. Còn với các khoản vay mới, TPBank hiện đang áp dụng ưu đãi giảm lãi suất lên tới 3,6%/năm. Như khi vay mua nhà, mua ô-tô hay vay để kinh doanh tại TPBank, các khoản vay mới của cá nhân đều được giảm từ 1-2% lãi suất.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết, từ nay đến ngày 30/9, Agribank giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung-dài hạn hiện hữu của khách hàng.
Uớc tính, khoảng hai triệu khách hàng sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình là hơn 1.000 tỷ đồng. "Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã bốn lần giảm lãi suất cho vay đối với các loại kỳ hạn vay vốn khác nhau.
Thời gian tới, ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, từ giảm thêm lãi suất cho vay đến tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Hiện nguồn vốn tại ngân hàng không thiếu, thanh khoản dồi dào và sẵn sàng cho vay đối với những khách hàng đáp ứng đủ yêu cầu", ông Phạm Toàn Vượng nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong những Ngân hàng Trung ương đầu tiên trên thế giới điều chỉnh giảm lãi suất điều hành trong các tháng đầu năm 2023 nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. Từ đầu năm đến nay, nhà điều hành cũng đã làm việc với các ngân hàng thương mại đề nghị tiếp tục giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh (trong tháng 2 và tháng 5/2023).
Các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.
Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà
Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VNĐ phát sinh mới ở mức khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022).
Còn dư địa giảm tiếp
Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ. Thị trường cũng kỳ vọng động thái hạ lãi suất điều hành sẽ có sức lan tỏa mạnh hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân.
Nhưng trên thực tế đến thời điểm này, mặc dù các ngân hàng thương mại đã liên tục điều chỉnh các mức lãi suất song theo nhiều ý kiến phản ánh từ doanh nghiệp, lãi suất hiện vẫn còn cao và họ đều mong muốn lãi suất cho vay sẽ giảm tương ứng với mức giảm của lãi suất điều hành và huy động. Lãnh đạo của một công ty có trụ sở tại Cà Mau chia sẻ, hiện nay, doanh nghiệp đang vay hàng chục tỷ đồng tại ba tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Mặc dù so với thời điểm 2-3 tháng trước, lãi suất cho vay hiện có giảm, song mức giảm chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. So với năm 2022, lãi suất cho vay hiện vẫn cao hơn 2%. Doanh nghiệp mong các ngân hàng sẽ nghiên cứu, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Nhóm phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 1 điểm phần trăm so với hồi đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VNĐ.
Tuy nhiên, đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là "cứu cánh" đối với tình hình kinh tế trong nước, VDSC nhận định vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 0,5-1 điểm phần trăm trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10/2022. "Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chúng tôi kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan tỏa tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay", nhóm phân tích nêu rõ.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, Việt Nam còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất. Chỉ rõ lý do, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết: Thứ nhất, chúng ta không quá lo lạm phát sẽ tăng cao bởi sức cầu vẫn còn rất yếu. Thứ hai, trên thế giới, lạm phát đang giảm nhiệt tương đối tích cực và tỷ giá tương đối ổn định.
Việt Nam còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất. Chỉ rõ lý do, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết: Thứ nhất, chúng ta không quá lo lạm phát sẽ tăng cao bởi sức cầu vẫn còn rất yếu. Thứ hai, trên thế giới, lạm phát đang giảm nhiệt tương đối tích cực và tỷ giá tương đối ổn định.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia
Ngoài ra, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bớt đi khó khăn, thách thức của năm nay, rõ ràng bài toán về giảm lãi suất vừa là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, vừa kích cầu tín dụng, kích thích đầu tư, tiêu dùng. Như vậy, chúng ta mới bảo đảm được phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực hơn. "Nhưng tất nhiên, đi cùng với đó là phải đồng bộ nhiều giải pháp khác. Tôi cho rằng khả năng giảm có thể ở mức khoảng 0,5-1,5 điểm phần trăm", ông Lực dự báo.
Ngoài ra, trong báo cáo phân tích mới phát hành, các chuyên gia Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam cũng kỳ vọng, trong ba tháng tới sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành, với mức điều chỉnh giảm thêm 0,5-1 điểm phần trăm cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, từ đó có những giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.