Xu hướng chuyển đổi xanh mở ra triển vọng tích cực cho thị trường đồng trong năm 2022

Tiềm năng của kim loại đồng được củng cố trong năm vừa qua, và hứa hẹn sẽ còn rực sáng hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, không hiếm những thách thức đang chờ đón thị trường ở phía trước do những tác động đến từ Trung Quốc.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Giá đồng kết thúc năm 2021 với mức tăng hơn 20%, hoàn toàn vượt trội so với các mặt hàng kim loại khác như vàng, bạc và bạch kim.

Chỉ báo sức khỏe của nền kinh tế thế giới trong năm 2021

Xét về mức tăng trưởng, thị trường đồng không bứt phá mạnh mẽ như trong năm 2020, thay vào đó, giá đồng tăng đều đặn trong các tháng đầu năm rồi đi ngang với biên độ rộng suốt từ tháng năm cho tới nay. Đáng chú ý, vào ngày 11/5/2021, giá đồng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại mới, đạt gần 10.500 USD/tấn.

Xu hướng chuyển đổi xanh mở ra triển vọng tích cực cho thị trường đồng trong năm 2022 -0
 

Kim loại đồng, thường được ví von là “Tiến sĩ Đồng” (Dr. Copper) bởi diễn biến giá của kim loại này thường là thước đo sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu, đã phục hồi mạnh mẽ trong quý I và quý II của năm vừa qua, là giai đoạn mà các nước đẩy mạnh phục hồi sau đại dịch. Sau đó, thời điểm giá đồng đi ngang từ cuối quý II/2021 đến nay, tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng bị chững lại dưới ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch do biến thể Delta, Omicron. Ngoài ra, giá đồng cũng phản ánh sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng và sự suy yếu của thị trường bất động sản.

Động lực nào thúc đẩy thị trường đồng trong năm 2022?

Trong tháng 12 vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) công bố thị trường đồng trong năm 2022 sẽ ở trong trạng thái thặng dư 328.000 tấn khi mà sản lượng của các mỏ đồng trên thế giới đều tăng trưởng rất đáng kể. Nguồn cung được bổ sung với khoảng 200.000 tấn đến từ hai nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới là Chile và Peru. Ngoài ra sản lượng của Cộng hòa Congo cũng tăng thêm gần 100.000 tấn khi cụm mỏ lớn nhất Châu Phi Kamoa-Kakula đi vào hoạt động.

Trong bối cảnh nguồn cung ổn định, triển vọng của thị trường đồng gần như phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, hiện là nước tiêu thụ hơn 50% sản lượng đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, việc các nền kinh tế phát triển đều đang theo đuổi các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và ô tô điện sẽ là chất xúc tác chính cho nhu cầu đồng trong dài hạn. 

Đầu tuần này, hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla công bố doanh số bán xe quý 4/2021 đạt 308.600 chiếc, tăng gần 30% so với quý trước và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng chuyển đổi xanh mở ra triển vọng tích cực cho thị trường đồng trong năm 2022 -0
 

Đây cũng là quý tăng trưởng doanh số thứ năm liên tiếp của hãng xe này.  Bên cạnh đó, theo số liệu mới nhất do Hiệp hội ô tô Trung Quốc công bố, sản lượng và doanh số xe năng lượng mới của nước này sẽ lần lượt là 457.000 chiếc và 450.000 chiếc. Những số liệu này phản ánh sự tăng trưởng trong nhu cầu tiêu thụ đối với các mặt hàng xe điện, mà đồng vốn là một nguyên liệu thiết yếu để sản xuất động cơ, dây dẫn và pin. Ngoài ra, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), công nghệ năng lượng sạch sẽ chiếm khoảng 45% nhu cầu tiêu thụ đồng vào năm 2040.

Hiện nay, giá đồng chỉ cách mức đỉnh lịch sử chưa tới 10% và những kỳ vọng này có thể sẽ thúc đẩy giá đồng lập đỉnh mới trong tương lai. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đồng đang phải đối mặt với rất nhiều sức ép đến từ Trung Quốc, khi mà cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa “buông tha” các công ty bất động sản của nước này. Thêm vào đó, việc Bắc Kinh kiên định với mục tiêu “không Covid” có thể tiếp tục khiến nền kinh tế thứ hai thế giới giảm tốc, và kìm hãm sự tăng trưởng của giá đồng.

Nhìn chung, thị trường đồng được kỳ vọng vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2022, tuy nhiên, đà tăng có thể sẽ khiêm tốn hơn so với hai năm trước đó, khi tốc độ phục hồi của các nền kinh tế trên toàn cầu đạt mức ổn định.